Du lịch là một ngành kinh tế, nên không chỉ tính tới số lượng du khách đến từng địa phương bao nhiêu, mà cần tính thời gian lưu trú và sự chi tiêu ở mỗi địa phương như thế nào.

Du lịch TP.HCM - ĐBSCL cần có thương hiệu chung - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tặng hoa chúc mừng các lãnh đạo UBND 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long là thành viên Hội đồng liên kết hợp tác du lịch vùng TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long 

Muốn du khách đến và chi tiêu chứ không phải “đến rồi đi”, cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong khu vực liên kết, bởi nếu du khách không chi tiêu, dù đón lượng du khách “khủng” nhưng không tác động nhiều đến tổng cầu kinh tế mỗi địa phương.

Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, đã khẳng định như vậy tại hội nghị sơ kết liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Cần Thơ hôm qua 4-7.

Liên kết đã phát huy hiệu quả

Phát biểu tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đều cho rằng việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã tạo ra một hiệu ứng và đạt được kết quả rất tốt, dù TP.HCM lẫn Đồng bằng sông Cửu Long đều chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Theo ông Trần Hùng Việt – chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, khách đến TP.HCM đa phần đều muốn đi Đồng bằng sông Cửu Long, và “đó là việc mà chúng ta cần có sự kết nối, giới thiệu sản phẩm”.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – giám đốc Sở Du lịch TP.HCM – cho biết từ khi lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác, đến nay đã có nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là hình thành cơ chế phối hợp phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, ra mắt trang web kích cầu du lịch, thực hiện hiệu quả 3 chương trình kích cầu du lịch “Những nẻo đường phù sa”, “Sắc màu vùng biên” và “Non nước hữu tình”.

Ngoài ra, trong khoảng 2 tháng không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đã có trên 50.000 lượt khách du lịch mua tour đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hoạt động khảo sát, xây dựng tour mới cũng đã bắt đầu trở lại, hoạt động bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm triển khai.

Cùng với đó, các hoạt động quảng bá du lịch của các địa phương thường xuyên xuất hiện trên tạp chí du lịch của TP.HCM và cổng thông tin truyền thông…

TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã thảo luận và thống nhất có 8 nội dung tập trung thực hiện trong thời gian tới như xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức hội nghị giới thiệu quảng bá du lịch vùng (từ 16 đến 19-7); phối hợp các lớp đào tạo chuyên đề cho các địa phương; tổ chức hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư (quý 4-2020) có mời cụm du lịch Đông Nam Bộ tham gia…

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Phong – phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long – đề nghị cần có sự ràng buộc giữa các địa phương trong vấn đề liên kết.

“Chủ tịch hội đồng liên kết cần phân công tất cả các thành viên là các địa phương những nhiệm vụ cụ thể, không chỉ thực hiện trong 1 năm mà cho cả giai đoạn (đến năm 2025) vì có những việc phải có thời gian để thực hiện”, ông Phong đề xuất.

Du lịch TP.HCM - ĐBSCL cần có thương hiệu chung - Ảnh 2.

Sông nước là điểm đặc trưng của miền Tây rất thu hút du khách. Trong ảnh, du khách nội địa tại một khu du lịch ở tỉnh Đồng Tháp 

Xu hướng tất yếu

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định liên kết hợp tác trong phát triển vùng là xu hướng tất yếu và cần thiết trong phát triển kinh tế – xã hội mỗi địa phương. TP.HCM luôn xác định là đối tác phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, nên những kết quả đạt được hôm nay là một trong những tiền đề quan trọng để ngành du lịch phục hồi trong điều kiện bình thường mới.

“TP.HCM tin tưởng rằng với sự gắn kết chặt chẽ và bền vững này, chúng ta hoàn toàn có thể đặt mục tiêu trong thời gian tới, thương hiệu du lịch vùng TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được du khách yêu thích hơn, lựa chọn là điểm đến hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình khám phá Việt Nam và Đông Nam Á, phấn đấu đưa tỉ trọng ngành du lịch đóng góp từ 11 đến 17% vào GRDP của mỗi địa phương”, ông Phong khẳng định.

Cũng theo ông Phong, du lịch là một ngành kinh tế, nên không chỉ tính tới số lượng du khách đến từng địa phương bao nhiêu mà cần tính thời gian lưu trú và sự chi tiêu ở mỗi địa phương như thế nào. Phải hết sức chú ý tới việc đa dạng hóa sản phẩm, bởi nếu du khách đến buổi sáng và chiều đi, số tiền chi tiêu của mỗi du khách sẽ không bao nhiêu.

Thậm chí, trong cơ cấu chi tiêu đó, cần phân tích chi tiêu cho khách sạn thế nào, cho những sản phẩm khác thế nào. Có như vậy, mỗi địa phương mới biết nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm và những sản phẩm liên kết đó như thế nào.

Ông Dương Tấn Hiển, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá TP.HCM vừa là điểm đến du lịch trọng điểm của cả nước, trong đó có 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, vừa là thị trường du khách quan trọng.

Theo ông Hiển, trong năm 2019, TP.HCM đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế và 32,7 triệu lượt khách nội địa. Nếu 2/3 số lượt khách này tiếp tục lựa chọn các hành trình là sản phẩm liên kết giữa TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển của du lịch toàn vùng.

“Do 14 địa phương vừa có điểm chung vừa có sự khác biệt, nên cần xây dựng một thương hiệu du lịch chung toàn vùng và tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực, đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài thời gian lưu trú của du khách”, ông Hiển đề xuất.

* Ông Nguyễn Văn Đức (phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đại diện cụm du lịch phía đông Tây Nam Bộ):

Có chính sách kích cầu riêng để kéo khách

Đến nay trong cụm phía đông có 49 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ tham gia chương trình kích cầu du lịch. Những tháng cuối năm, với vai trò cụm trưởng, Bến Tre sẽ cùng các thành viên khác tập trung tổ chức nhiều chương trình khảo sát tour, tuyến của vùng, khu vực để tổ chức tuyến du lịch xuyên vùng, xuyên tâm.

Ngoài ra, sẽ phối hợp tổ chức các sự kiện, diễn đàn, hoạt động mà thông qua đó quảng bá truyền thông giới thiệu điểm đến an toàn, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, thực hành nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch… Tuy nhiên, mỗi địa phương cần nghiên cứu chính sách phù hợp để kích cầu du lịch nội địa.

* Ông Ngô Hùng (phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đại diện cụm du lịch phía tây Tây Nam Bộ):

Phối hợp công ty du lịch xây dựng sản phẩm mới

Trong thời gian tới, cụm du lịch phía tây Tây Nam Bộ sẽ tiếp tục cụ thể hóa nội dung thỏa thuận ký kết ở Bạc Liêu. Theo đó, sẽ thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch, phối hợp các công ty du lịch xây dựng sản phẩm mới…

Sở Du lịch Kiên Giang cũng sẽ tổ chức đoàn khảo sát giới thiệu du lịch Kiên Giang và trong vùng để giới thiệu tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Cụm cũng sẽ tham gia chung trong việc mời gọi xúc tiến đầu tư vào du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng phim quảng bá du lịch chung TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.

* Ông Huỳnh Văn Sơn (tổng giám đốc Công ty Ngôi Sao Biển Sài Gòn):

Cần phát triển kinh tế đêm

Trong việc liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy nên có chiến lược rõ ràng, đặc biệt trong việc phát triển sản phẩm về du lịch, trong đó có kinh tế đêm. Muốn thành công, việc lựa chọn sản phẩm phố đi bộ chợ đêm phải nằm ở trung tâm, là tài nguyên du lịch xuất sắc nhất ở địa phương mới thu hút khách.

Phải có quy chế hoạt động bài bản, ràng buộc trách nhiệm nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh chợ đêm và tiểu thương để đó thực sự là một nơi văn minh, du khách đến cảm thấy an toàn, cảm thấy được tận hưởng không gian văn hóa nghệ thuật.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi đã phát triển 1 chợ đêm ở Phú Quốc, đang làm việc với Bến Tre phát triển sản phẩm Phố đêm xứ dừa và sẽ còn phát triển thêm 1 chợ đêm Phú Quốc nữa. Nếu có sản phẩm về đêm sẽ tạo ra sự phát triển kinh tế, thương mại và du lịch của vùng đất đó.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : du lịchĐBSCLthương hiệuTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết