Sau 2 năm bị dồn nén bởi đại dịch COVID-19, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 chứng kiến một đợt đi du lịch bùng nổ của người Việt, với ước tính có hơn 5 triệu lượt khách đã lên đường đi du lịch trong dịp nghỉ lễ này.

Du lịch sẵn sàng cho dịp hè - Ảnh 1.Du khách tham quan chiến khu căn cứ Vàm Sát, đảo khỉ Cần Giờ (TP.HCM) trong ngày lễ 1-5 

Vẫn có những chập choạng, trải nghiệm chưa như mong muốn từ du khách nhưng tinh thần lên đường đang đem đến một sinh khí hồi phục cho du lịch hè sắp tới.

Du khách đã chịu chi sang

Ghi nhận của ngành du lịch cho thấy trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nhiều địa phương đạt doanh thu du lịch cả ngàn tỉ đồng do du khách chịu “móc hầu bao” nhiều hơn. Chẳng hạn tại TP.HCM, tour du lịch “Đi trực thăng ngắm TP.HCM” từ trên cao đã “cháy vé”, dù giá vé hơn 4 triệu đồng cho thời gian bay và ngắm TP chỉ 40 phút.

Theo thống kê, hơn 200 khách đã đăng ký tour trực thăng, trong đó phần lớn ngụ tại TP.HCM, có gia đình sẵn sàng chi vài chục triệu đồng cho các thành viên trong gia đình cùng bay. Nhiều du khách cho rằng hơn 4 triệu đồng cho 40 phút bay ngắm TP từ trên cao là rẻ so với tour cùng loại ở các quốc gia khác.

Ngoài ra, TP.HCM dự kiến mở tour ngắm TP từ du thuyền với giá 5 – 10 triệu đồng cho hơn 2 tiếng trên sông. Theo Sở Du lịch TP.HCM, những sản phẩm tour trực thăng hay tour du thuyền không chỉ làm mới sản phẩm du lịch mà còn mở rộng phân khúc, phục vụ đối tượng khách hàng có mức thu nhập cao hơn.

Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, giám đốc kinh doanh Les Rives, cho biết tour du thuyền nghe có vẻ xa lạ với nhiều khách Việt nhưng với khách nước ngoài, đặc biệt là người đang làm việc ở TP, lại là sản phẩm rất quen thuộc. “Lâu nay du khách nội rất muốn trải nghiệm những sản phẩm đẳng cấp, mang tính riêng tư cao nhưng hầu hết các dịch vụ này đều dành cho khách quốc tế”, bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, giám đốc tiếp thị TST tourist, cho rằng việc ra đời các tour du lịch hạng sang sẽ khai thác đến nhóm khách trung lưu. Trong dịp lễ 30-4 và 1-5, dù không lọt vào tốp 10 điểm đến đón lượt khách đông đảo nhất nhưng TP.HCM có doanh thu cao thứ hai với hơn 1.600 tỉ đồng. Những sản phẩm du lịch hạng sang thể hiện cho định hướng phát triển đó.

Nâng chất, giảm hành xác cho du khách

Tuy nhiên, sự bùng nổ của 4 ngày nghỉ lễ cũng đặt ra nhiều bài toán cho sự chuẩn bị của ngành du lịch thời gian tới, đặc biệt là hiện tượng quá tải ở các điểm đến, du khách vẫn chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ, nạn chặt chém… Theo ông Phước Đặng, CEO Outbox, quản lý điểm đến là một trong những điểm yếu của nhiều địa phương nổi tiếng về du lịch ở Việt Nam thời gian qua.

Trong đó, việc quản lý sức chứa, hạ tầng dịch vụ của một điểm đến không chỉ để du lịch tránh bị quá tải mà còn là câu chuyện môi trường, phát triển bền vững. Du khách cần có nghiên cứu, theo dõi thời tiết, dự báo tình hình điểm đến mà gia đình sẽ du lịch, đặt dịch vụ trước để tránh trường hợp phải rước bực vào người. Thực tế cho thấy có những điểm đến được dự báo đông đúc nhưng khách vẫn kéo về do chi phí phù hợp với họ như về quãng đường không quá xa, nhiều người thích về biển…

“Du khách chắc chắn sẽ lựa chọn và chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Như khi nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của du khách Việt trong dịp Tết 2022 vừa qua, chúng tôi nhận thấy yếu tố an toàn đã giảm mạnh, khách quan tâm nhiều hơn đến chi phí các chuyến đi”, ông Phước Đặng nói và cho rằng các địa phương phải phát triển nhiều hơn những điểm đến, sản phẩm du lịch để giải tỏa cơn khát đi du lịch của người dân ở vùng gần TP.HCM.

Du lịch sẵn sàng cho dịp hè - Ảnh 2.

TP.HCM đang có kế hoạch tung tour hạng sang khám phá TP từ du thuyền thời gian tới 

Số hóa để giảm chờ đợi

Theo bà Michelle Ho, giám đốc điều hành Klook tại thị trường Philippines, Thái Lan và Việt Nam, ngành du lịch đang dần hồi phục, tuy nhiên khách du lịch nội địa vẫn là “nhân tố chính” trong chiến lược phát triển tại các quốc gia. Người Việt cho thấy du lịch đang tăng trưởng nhanh và việc ứng dụng công nghệ vào các dịch vụ điểm đến sẽ giúp giải tỏa bớt được thời gian chờ đợi, xếp hàng ở các điểm đến.

Nỗ lực số hóa trong hoạt động du lịch nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm trọn vẹn nhất. “Các điểm đến như TP.HCM, Phú Quốc (Kiên Giang), Lâm Đồng, Hà Nội, Khánh Hòa… là lựa chọn hàng đầu của du khách ở Việt Nam trên nền tảng với những dịch vụ như bao gồm vé tham quan công viên chủ đề, công viên nước, sở thú, tour du lịch hoạt động ngoài trời và thể thao, khách sạn, resort và trải nghiệm ẩm thực…”, bà Michelle Ho nói.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, khẳng định rằng một trong những định hướng phát triển sản phẩm mới của TP.HCM là phát triển đa dạng tour tham quan city tour bằng phương tiện đường bộ, đường thủy, đường hàng không và metro. Tour ngắm TP từ sông Sài Gòn bằng du thuyền hứa hẹn là sản phẩm mới hấp dẫn theo định hướng phát triển này.

Ngành du lịch đang chứng kiến hàng loạt tour, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ như tour xe đạp, tour cắm trại, trekking về các vùng sinh thái, gần gũi thiên nhiên hay tour mang tính riêng tư cao. “Cùng với xu hướng đó, du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh về du lịch MICE, hoàn thiện sản phẩm hạ tầng, dịch vụ cho khách đoàn”, bà Hoa khẳng định.

Tour hè không còn đổ về biển

Theo anh Tuấn Hoa, hướng dẫn viên du lịch nội địa, với lượng khách đặt tour như hiện nay, không hẳn sẽ đổ về các bãi biển đông nghịt người hay những khu du lịch được dự báo quá tải mà họ sẵn sàng lên rừng xuống biển, khám phá những nơi xa xôi… miễn là yên tĩnh và nhiều trải nghiệm. Đây cũng là thách thức cho các công ty du lịch, buộc phải quan tâm đến liên kết, xây dựng các tour, tuyến với các tỉnh lân cận, làm mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực…

Kỳ vọng du lịch phục hồi hoàn toàn vào dịp hè

Từ sau cột mốc mở cửa 15-3 đến nay, ngành du lịch đã trải qua hai đợt kiểm tra lớn là kỳ nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương (3 ngày) và lễ 30-4 và 1-5 (4 ngày) trước khi bước vào cao điểm hè. Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành cho biết lượng khách trung bình đã đạt 30 – 40%, trong đó tuyến nội địa đạt 50 – 60% so với năm 2019.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, cho biết du lịch hè sẽ là bước hồi phục quan trọng và có thể là điểm hồi phục hoàn toàn của thị trường nội địa, còn thị trường inbound (đón khách quốc tế) phục hồi từ cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19du lịch hènghi lễTour hè

Các tin liên quan đến bài viết