Kết quả khảo sát ngành Dịch vụ Khách sạn năm 2018 của Grant Thorton Việt Nam cho thấy khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng nhiều và khá chịu chi.
Theo khảo sát công bố ngày 10-7, khách thị trường châu Á chiếm tới 76% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong số, đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất trong suốt 3 năm qua, chiếm trên 50% lượng khách nước ngoài tới Việt Nam.
Theo ông Micheal Robinson, Tổng quản lý Caravelle Sài Gòn, khách Trung Quốc là nhóm tăng nhanh ở hầu hết các thị trường du lịch trên thế giới.
“Khi chờ làm thủ tục hoàn thuế VAT tại một sân bay quốc tế, khách Trung Quốc xếp chờ rất nhiều và số tiền hoàn thuế đều khá lớn, đây là nhóm rất chịu khó chi tiêu”, ông Robinson nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng sự dịch chuyển cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian gần đây đã tạo không ít thách thức cho các nhà làm dịch vụ, khách sạn khi phải uyển chuyển, thay đổi để đáp ứng nhu cầu khách.
Ông Cheah Kuan, Tổng giám đốc Becamex Hospitality, cho rằng sự dịch chuyển các nhóm du khách cũng khiến cho các khách sạn phải thay đổi tính chất, đặc thù dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách.
Chẳng hạn khách Nhật, theo ông Kuan, thích những khách sạn bồn tắm nằm, rộng và thoải mái dù khách sạn đó nằm ở tận Sa Pa.
Lượng khách tới từ các nước châu Âu chỉ tăng 14% trong năm 2017, với mức tăng lớn nhất là của khách du lịch Nga với tốc độ tăng 30% do các nhà quản lý tour du lịch mở rộng gói du lịch đến Việt Nam nghỉ dưỡng vào mùa đông, cũng như việc khách và các đại lý tour du lịch ngày một nhận thức nhiều hơn về tiềm năng du lịch của Việt Nam.
Nhìn chung, mục đích lưu trú của phần lớn khách quốc tế đến Việt Nam là nghỉ dưỡng, khám phá, bên cạnh doanh nghiệp và hội nghị (MICE).
Khảo sát cũng cho thấy sau sự sụt giảm nhẹ vào năm 2016, giá phòng bình quân của khách sạn 5 sao đã có dấu hiệu hồi phục, tăng 4,2% so với năm ngoái.
Giá phòng khách sạn 4 sao tăng ít hơn, ở mức ít hơn 1%. Hiện giá phòng bình quân năm 2017 đã tăng 2,8% so với năm 2016, từ 89,3 USD tới 91,8 USD.
Năm 2016 ghi nhận xu hướng tăng ba năm liên tiếp của khách nội địa lưu trú tại các khách sạn cao cấp.
Tuy nhiên, theo Grant Thorton, xu hướng này đã thay đổi trong năm 2017 khi tốc độ tăng trưởng của khách quốc tế đã vượt qua tốc độ tăng của khách nội địa (30% so với 13%) khiến cho tỉ trọng khách quốc tế lưu trú tại khách sạn 4-5 sao tăng tới gần 81% vào năm 2017.
Trong năm 2018, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu thu hút 15 tới 17 triệu khách du lịch quốc tế. 6 tháng đầu năm lượng khách quốc tế đạt gần 7,9 triệu, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: tuoitre.vn