Các quảng cáo đông trùng hạ thảo là ‘tiên dược’ chữa bách bệnh, nhất là các bệnh nan y như ung thư, viêm phổi, trị liệt dương, tăng cường sinh lực… Mức giá quá cao cũng khiến sản phẩm này càng được thổi phồng về tác dụng.

Ngay cả đông trùng hạ thảo nuôi cấy cũng không dễ phân biệt loại dùng như nấm, rau ăn lẩu và loại nuôi cấy làm dược liệu - Ảnh: HÀ LINH

Ngay cả đông trùng hạ thảo nuôi cấy cũng không dễ phân biệt loại dùng như nấm, rau ăn lẩu và loại nuôi cấy làm dược liệu 

Nhưng theo các chuyên gia, nó không có tác dụng chữa bệnh, thậm chí hiện nay hàng rởm là chủ yếu nên dễ tiền mất tật mang.

Có loại ‘đông trùng hạ thảo’ thực chất là nước cam thảo, tinh dầu

BS Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết ông đã xem kỹ loại Đông trùng hạ thảo tinh chế quảng cáo chữa bách bệnh, khi dùng thì thấy chủ yếu là nước cam thảo và tinh dầu, uống 20 lọ cũng chẳng có tác dụng gì.

Thực trạng đông trùng hạ thảo giả không chỉ ở các sản phẩm tinh chế mà ngay cả loại nguyên con cũng bị làm giả một cách tinh vi.

Thực tế không thể có nhiều đông trùng hạ thảo như vậy, đông trùng hạ thảo chỉ sinh trưởng ở những nơi cao hơn so với mặt nước biển 3.000 – 5.000m, nhiệt độ thấp, nơi đó phải thiếu oxy và quanh năm tuyết phủ (vùng cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc) thì trùng thảo mới có giá trị.

Còn nếu nuôi trồng ở vùng khác thì không có tác dụng hoặc ít tác dụng, do quá trình sinh trưởng của đông trùng hạ thảo rất đặc biệt. Nó được phát triển từ loại côn trùng gọi là ngài dơi, khi mùa đông thì ấu trùng của con ngài dơi này chui vào trong đất để trú đông.

Một số ấu trùng bị nhiễm khuẩn trong đất chết, các vi khuẩn phát triển trong cơ thể của ấu trùng chuyển thành một loại khuẩn dạng tơ quấn đầy cơ thể của côn trùng. Đến mùa hè,  từ đầu của ấu trùng mọc ra một cây giống như cỏ trồi lên mặt đất.

Do đó, giá đông trùng hạ thảo rất đắt, nếu là hàng thật lên đến cả vài trăm triệu đồng/lạng.

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cho biết đông trùng hạ thảo là loại dược liệu quý nên giá rất đắt. Những loại chiết xuất đang được rao bán trên thị trường có thể sử dụng phụ phẩm (đông trùng hạ thảo chưa đến tuổi, bị teo tóp, kém chất lượng) để sản xuất thành sản phẩm dạng viên, nước uống…

Thực chất giá trị của các sản phẩm này như thế nào chưa ai nghiên cứu, cũng chưa có cách phân biệt thật giả.

Theo các chuyên gia, hiện tại người ta làm giả trùng thảo thân củ của địa tàm và thảo thạch rồi cắm cỏ vào; có loại được làm từ bột ngô, bột mạch, thạch cao.

Một số trùng thảo giả được sản xuất bằng cách gia công ép màng nên bên ngoài có màu trắng ngà, hình sâu non nhẵn bóng, rõ các vằn khía, mặt cắt có màu trắng nhạt.

Khi cầm lên thấy nặng, không nhẹ bông như trùng thảo thật. Ở mức độ tinh vi hơn, người ta còn làm thành cả trùng thảo nguyên con giả y hệt trùng thảo thật, với đủ cả thân sâu và sợi nấm mọc trên đỉnh đầu.

Đặc biệt, trùng thảo còn được làm giả từ con sâu chít (sâu thân nhộng sống trong cây chít) mà người ta thường dùng để ngâm rượu nên rất khó phân biệt.

Tiền mất, tật mang

Bác sĩ Hướng cảnh báo, tuy đông trùng hạ thảo là một vị thuốc bổ của Đông y nhưng lại không có tác dụng chữa bệnh, được dùng chủ yếu để bồi bổ cho người già giúp bổ khí huyết, người trẻ ít có tác dụng. Việc dùng đông trùng hạ thảo nuôi trồng không ở môi trường sinh trưởng tốt nhất sẽ ít có tác dụng, còn với hàng giả thì chắc chắn tiền mất tật mang.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, nhiều nghiên cứu cho thấy đông trùng hạ thảo giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo không phải là thuốc chữa bệnh, nhất là bệnh nan y, mà chỉ nên coi là thực phẩm chức năng, chỉ dùng khi cơ thể không khỏe.

Việc dùng bồi bổ cũng nên theo chỉ định của bác sĩ. Đông trùng hạ thảo tốt là ninh lâu vẫn dai, không mủn, cọng cỏ ở đầu không nát, khi ninh tỏa ra mùi thơm, tanh như cá…

Ai không nên dùng đông trùng hạ thảo?

Trẻ em dưới 5 tuổi, người đang sốt: đông trùng hạ thảo có tính ấm nên không thể sử dụng cho những bệnh thuần ấm như sốt. Cơ thể trẻ em dưới 5 tuổi có tính nóng cao, vì thế cũng không nên sử dụng.

Người viêm khớp dạng thấp: Nhóm người này nếu sử dụng sẽ kích thích gia tăng hoạt động của hệ miễn dịch, khiến cho các dấu hiệu bệnh thêm trầm trọng.

Người bị rối loạn đông máu: Các hoạt chất cordyceps trong đông trùng hạ thảo sẽ khiến máu càng thêm khó đông và chảy nhiều hơn.

Người chuẩn bị phẫu thuật: Thành phần của đông trùng hạ thảo sẽ làm máu khó đông hơn, ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu.

TS Phạm Văn Nhạ, Viện Nghiên cứu thảo dược Việt Nam, khuyến cáo cẩn trọng khi mua, bởi với công nghệ tổng hợp hóa chất, khi có bào tử nấm, người ta dễ dàng tạo ra đông trùng hạ thảo giống như thật nhưng lại rất nguy hại.

Quá trình đồng hóa dưỡng chất trong khi nuôi sẽ tồn dư hóa chất độc hại, đặc biệt là những loại hóa chất không tinh khiết rất độc cho con người.

Hơn nữa, chất keo nhựa được đúc kết với bột côn trùng tạo đông trùng hạ thảo giả khi sử dụng có thể gây nhiễm độc tức thì hoặc tích lũy lâu dài gây tổn hại cho sức khỏe, thậm chí ung thư thì khó có ai biết trước được.

“Với đông trùng hạ thảo nuôi cấy ở Việt Nam, hiện có rất nhiều đơn vị sản xuất nhưng lại chưa có nghiên cứu chính thức nào về các hoạt chất sinh hóa và chất lượng của chúng. Từ đó các cơ quan chức năng cũng khó để kiểm tra thành phần dược chất, còn người tiêu dùng thì như đứng trước ma trận.

Về giá thành, việc phun nấm đông trùng hạ thảo lên con nhộng tằm để tạo ra đông trùng hạ thảo không tốn nhiều kinh phí, nhưng giá đông trùng hạ thảo lại rất cao là điều bất hợp lý. Người tiêu dùng bỏ tiền triệu ra mua đông trùng hạ thảo, trong khi chất lượng nó thế nào thì chỉ người bán hàng mới biết được” – GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam, cho biết.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh nan yđông trùng hạ thảo

Các tin liên quan đến bài viết