Đa phần cư dân nhường đất xây dựng sân bay Long Thành – Đồng Nai đều đã có việc làm ổn định, không có nhu cầu học nghề, thay đổi công việc, nên đề án đào tạo nghề với kinh phí 306 tỷ đồng đứng trước nguy cơ phá sản.

Vì sao khó đào tạo nghề cho người dân nhường đất xây sân bay Long Thành?

Sau khi dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) được triển khai thì ngoài nhu cầu về nơi ở, ổn định đời sống cư dân đã nhường đất xây sân bay, câu chuyện đào tạo nghề cho người dân cũng được dư luận quan tâm.

Đồng Nai có thể "phá sản" đề án đào tạo nghề hơn 300 tỷ đồng cho cư dân nhường đất xây sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Trên công trường xây dựng xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: Tuệ Mẫn

Tuy nhiên đến nay đề án này vẫn chưa được triển khai, và có nguy cơ khó thực hiện được. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) được Quốc hội thông qua năm 2017. Trong siêu dự này, hạng mục đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân lên đến con số 306 tỷ đồng.

Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm được khảo sát, triển khai cùng thời điểm kiểm kê, đo đạc để giải phóng mặt bằng, nhằm tạo sinh kế ổn định lâu dài cho cư dân nhường đất phục vụ sân bay. Qua thống kê tại khu vực ảnh hưởng bởi dự án, có khoảng 9.700 người ở độ tuổi lao động.

Đồng Nai có thể "phá sản" đề án đào tạo nghề hơn 300 tỷ đồng cho cư dân nhường đất xây sân bay Long Thành - Ảnh 2.

Đa số cư dân nhường đất xây dựng sân bay cũng có công việc nghề nghiệp ổn định ở các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Tuệ Mẫn

Sau khi di dời đến nơi ở mới, đa số những người này đều chủ động tìm công việc mới để mưu sinh.

Trong số đó có người mở tiệm tạp hoá, quán nước, sạp rau, spa… số còn lại chọn đi làm công nhân cho doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện Long Thành. Một số người cũng mong muốn chờ khi sân bay hoạt động sẽ có “chân lao động” phổ thông làm việc trong sân bay.

Đồng Nai có thể "phá sản" đề án đào tạo nghề hơn 300 tỷ đồng cho cư dân nhường đất xây sân bay Long Thành - Ảnh 3.

Tại các buổi đối thoại, đa phần cư dân chỉ mong muốn về tái định cư và đền bù, ít ai quan tâm vấn đề đào tạo nghề. Ảnh: Tuệ Mẫn

Liên quan đến vấn đề này, Sở LĐTBXH Đồng Nai cho biết sau khi dự án đào tạo nghề được Chính phủ phê duyệt, cán bộ sở đã phối hợp cùng huyện Long Thành phát phiếu khảo sát về nhu cầu tìm việc làm của người dân vùng sân bay. Ngoài ra còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm, để kết nối người dân có nhu cầu tìm việc với doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, nhu cầu đào tạo nghề và tìm việc của người dân vẫn rất ít.

 “Ví dụ như năm 2022, đề án hỗ trợ người dân đăng ký học nghề lái xe (bằng B2) với học phí là 11-15 triệu. Đề án này sẽ hỗ trợ người dân 3 triệu đồng, nên đa số người dân từ chối học vì đóng tiền chênh lệch quá cao”, một cán bộ huyện Long Thành, Đồng Nai cho hay.

Đồng Nai có thể "phá sản" đề án đào tạo nghề hơn 300 tỷ đồng cho cư dân nhường đất xây sân bay Long Thành - Ảnh 4.

Lãnh đạo huyện Long Thành cũng quan tâm đến nguyện vọng của người dân. Ảnh: Tuệ Mẫn

Còn theo Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH Đồng Nai, nhu cầu được đào tạo nghề của cư dân sân bay khá ít. Bởi xưa nay con em tại đây đa phần cũng đã có việc làm ổn định ở các cơ quan, xí nghiệp… trên địa bàn. Những người đã gắn bó với công việc cũ thì không có nhu cầu chuyển việc hay học nghề.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, cho biết qua khảo sát, hiện người dân không có nhu cầu đào tạo nghề nên đề án khó thực hiện được. Sở đang xin ý kiến để trả lại kinh phí đề án, và chủ động kết nối để cư dân có việc làm ổn định.

Theo Dân việt

Từ khóa : đào tạo nghềđồng naiSÂN BAY LONG THÀNHViệc làm

Các tin liên quan đến bài viết