Sáng 4/1, tại phiên toà xét xử vụ AIC, HĐXX đã tuyên án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 35 bị cáo khác. HĐXX cũng đưa ra nhận định về hành vi của từng bị cáo.

Theo nhận định của HĐXX, tại thời điểm khởi tố vụ án, các bị cáo bị xác định bỏ trốn trong vụ AIC không có mặt tại địa phương. CQĐT đã yêu cầu họ ra trình diện, sau đó đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng không ai ra trình diện.

Cho đến khi vụ án được đưa ra xét xử, chỉ có bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) có đơn xin vắng mặt, xin chấp nhận thi hành án.

Theo HĐXX, các bị cáo vắng mặt đồng nghĩa với việc họ tự từ bỏ quyền của mình. Tuy nhiên cơ quan tố tụng đã chỉ định luật sư cho các bị cáo bỏ trốn, tạo điều kiện cho các luật sư nghiên cứu hồ sơ.

HĐXX cho rằng, VKS ban hành cáo trạng đảm bảo đúng nội dung, CQĐT không ra quyết định tạm đình chỉ vụ án dù có 8 người bỏ trốn thì vẫn đủ cơ sở đưa vụ án ra xét xử. Sau bản án sơ thẩm, các bị cáo bị xét xử vắng mặt có quyền nhờ luật sư hoặc người nhà kháng cáo bản án.

HĐXX nhận thấy, tại toà, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc. Lời khai của các bị cáo tại toà phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác cho trong hồ sơ vụ án.

Bị cáo Trần Đình Thành tại toà. 

Đối với 8 bị cáo bị xét xử vắng mặt, căn cứ lời khai của các bị cáo khác, lời khai của những người liên quan và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định tội của các bị cáo này.

Nhận định của HĐXX cho rằng, với cương vị là Chủ tịch Công ty AIC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn có vai trò chủ mưu cầm đầu, chịu trách nhiệm chính về các sai phạm xảy ra tại Công ty AIC.

Bị cáo đã xây dựng quy trình, quy chế nội bộ để mọi người trong Công ty AIC thực hiện các bước theo đúng quy trình trên. Các nhân viên, lãnh đạo Công ty AIC ở các phòng ban đều thông đồng với nhau để thông thầu, mục đích là Công ty AIC được trúng thầu.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn điều chuyển dòng tiền để chi cho các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Mức chi do chính bị cáo Nhàn đặt ra.

Cựu Bí thư Đồng Nai tích cực hợp tác với CQĐT

Theo HĐXX, bị cáo Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) đã 6 lần nhận tổng số tiền 14,5 tỷ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu theo yêu cầu của bị cáo Nhàn, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.

Cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội. Bị cáo có tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần. Các tình tiết giảm nhẹ tội của bị cáo Thành được HĐXX nhắc đến gồm: Bị cáo ăn năn hối cải; đã tác động để gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả; tích cực hợp tác với CQĐT; có nhiều thành tích trong quá trình công tác; gia đình có công với cách mạng và là người cao tuổi.

HĐXX cho rằng, đủ cơ sở xác định bị cáo Đinh Quốc Thái (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban chỉ đạo công trình xây dựng Bệnh viện Đồng Nai) đã nhiều lần nhận từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 2 Phó TGĐ Công ty AIC số tiền 14,5 tỷ đồng.

Mục đích là ký quyết định phê duyệt lại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, bổ sung phần đầu tư thiết bị y tế chuyên môn khi không có tài liệu, thẩm định của các cơ quan chuyên môn về danh mục và giá thiết bị y tế; không thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi phê duyệt.

Bị cáo còn tác động đến bị cáo Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai) nhằm tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại hơn 152 tỷ đồng.

Cáo trạng truy tố bị cáo Thái tội Nhận hối lộ là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Bị cáo phạm tội nhiều lần, đây là tình tiết tăng nặng.

Về tình tiết giảm nhẹ tội đối với bị cáo Thái, HĐXX nhắc đến việc cựu Phó Chủ tịch Đồng Nai đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối lỗi; đã tác động để gia đình nộp lại số tiền đã nhận hối lộ để khắc phục hậu quả; bị cáo đã chủ động làm đơn tố giác tội phạm.

Đối với bị cáo Phan Huy Anh Vũ, HĐXX khẳng định, việc truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Công ty AICđồng naiNguyễn Thị Thanh Nhàn

Các tin liên quan đến bài viết