Nhiều doanh nghiệp đã đồng loạt khai xuân, bắt tay vào hoạt động sản xuất nhưng vẫn thiếu đơn hàng. Để sức mua tăng lên, chờ thị trường thay đổi là kỳ vọng của không ít doanh nghiệp.
Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đang vận chuyển gạo xuống tàu dù đầu năm thiếu đơn hàng
Ngày 29-1, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp thông tin đã khai xuân mùng 6 Tết, nhưng thiếu đơn hàng. Có không nhiều doanh nghiệp may mắn có đơn hàng từ năm ngoái, mùng 4 Tết đã sản xuất để kịp trả đơn đã ký.
Đơn hàng “đếm trên đầu ngón tay”
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết thực tế hiện nay các doanh nghiệp thủy sản khai xuân nhưng phần nhiều vẫn chưa đẩy mạnh sản xuất do thiếu nhiều đơn hàng. Nguyên do, từ cuối năm ngoái đến hết quý 1 này thị trường mới phục hồi lại.
“Đơn hàng ký rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Trung Quốc xóa thủ tục về COVID-19 hy vọng thị trường “phất” lên, thị trường châu Âu, Mỹ hết lạm phát cũng cần có thời gian, sau đó mới xác định mức cầu được.
Khi hàng tồn kho đã giải quyết xong, khả năng phải cuối quý 1, thị trường hồi phục với thủy sản, giao dịch mới nhộn nhịp. Một vài doanh nghiệp tập trung sản xuất sớm để giải quyết hợp đồng dài hạn”, ông Hòe cho hay.
Cho rằng mình may mắn vì đầu năm không phải lo thiếu đơn hàng, ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), hồ hởi cho hay đầu tháng 1 đã ký được đơn hàng lớn 26.000 tấn gạo thơm cho 4 thị trường: Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, châu Âu.
“Đơn hàng ký cuối năm rồi, giao hàng trong vòng 60 ngày kể từ ngày mùng 6 Tết. Công ty đã bắt tay vào sản xuất, đến tháng 4 tới đã có để giao”, ông Bình nói.
Ông Bình nhận định rằng các doanh nghiệp đầu năm khó có đơn hàng là điều bình thường, nhưng gạo là ngành hàng chất lượng cao, tương đối ổn định cho các tháng. Hơn nữa nhu cầu lương thực thực phẩm của thế giới khan hiếm, biến đổi khí hậu, chiến tranh… nên đầu ra của gạo tương đối lớn, đến hết quý 1 đơn hàng xuất khẩu gạo cũng sẽ dồi dào.
Tương tự, một doanh nghiệp chuyên xây dựng và sản xuất đồ gỗ cho hay công ty đã sản xuất từ mùng 4 Tết cho đơn hàng ký vào 24 Tết năm ngoái, đơn hàng kéo dài hết tháng 7-2023.
Kỳ vọng đơn hàng khởi sắc từ giữa năm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may – thêu đan TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp ngành dệt may đã khởi động các dây chuyền, tái sản xuất đơn hàng.
Hiện nay, do ảnh hưởng giảm nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU… nên đơn hàng của các doanh nghiệp đang suy giảm. Cụ thể, trong quý 1 này, chỉ khoảng 60% doanh nghiệp tại TP.HCM có đơn hàng, còn 30% doanh nghiệp thiếu đơn hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải giảm giờ làm, không tăng ca để giãn công việc, duy trì lao động. Ông Hồng cho hay ngành dệt may hy vọng sẽ tăng trưởng về đơn hàng vào quý 2. Đến giữa năm trở đi, tình hình sẽ ổn định trở lại bởi nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại ở hầu hết thị trường.
Còn ông Phạm Văn Việt, tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, cho biết trong quý 1 này, tình hình đơn hàng vẫn chưa khả quan, đơn hàng vẫn cầm chừng, khả năng từ quý 2 trở đi mới khởi sắc hơn. Tuy vậy, ông Việt kỳ vọng từ quý 3 trở đi, khi tình hình kinh tế thế giới bớt khó khăn, nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng, dệt may sẽ nhỉnh hơn, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành dệt may tăng sản xuất.
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp ngành cơ khí cho biết hiện đơn hàng trong quý 1 vẫn chưa khả quan, doanh nghiệp vẫn sản xuất cầm chừng để duy trì người lao động. Theo vị này, bên cạnh kỳ vọng nền kinh tế đi lên để thúc đẩy nhu cầu mua sắm, doanh nghiệp cũng phải mở rộng thị trường, tìm kiếm những đơn hàng mới, thậm chí những đơn hàng nhỏ lẻ để có thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Nguồn: tuoitre.vn