Đơn hàng dồi dào trong khi tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động mà vẫn không dám tuyển dụng.

Chia sẻ với Zing, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony, cho biết chỉ muốn tuyển thêm 2 công nhân cắt lành nghề mà hơn một tháng nay vẫn chưa tuyển được ai.

Lý do là quy trình tuyển dụng của công ty buộc phải siết chặt hơn trước để bảo đảm tuyệt đối chống dịch.

Từ chối đơn hàng vì thiếu nhân lực

Nửa đầu năm nay, lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ của Dony tăng cao hơn cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Anh cho biết con số này còn có thể lớn hơn nếu doanh nghiệp có thêm nhân sự.

Thời gian qua, công ty may mặc này đã từ chối nhiều đơn hàng, điển hình là 2 đơn xuất đi Mỹ, trong đó một đơn gồm 150.000 áo khoác nỉ và một đơn gồm 100.000 áo thun.

“Việc từ chối đơn hàng vì không đủ năng lực sản xuất là bình thường. Ngay lúc này chúng tôi hạn chế tuyển mới ồ ạt, chỉ tuyển khi thực sự cần thiết. Con số 2 công nhân cần tuyển không có nghĩa lượng lao động hiện tại đã đủ, mà do chúng tôi chỉ dám nhận đơn hàng dựa trên công suất có thể đáp ứng một cách chắc chắn”, ông Phạm Quang Anh nói.

Tương tự, lượng hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Công ty thực phẩm Duy Anh cũng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Ông Lê Duy Toàn, giám đốc doanh nghiệp cho hay một số thời điểm có nhiều đơn cần giao gấp nên nhu cầu tuyển lao động thời vụ tăng cao. Tuy vậy, công ty không dám “đánh đổi” sự an toàn hiện tại.

“Dịch bệnh căng thẳng quá, chúng tôi không dám tuyển người mới vì không biết họ đã đi những đâu, tiếp xúc với những ai. Lỡ nhận thêm người vào khiến nhà máy phải đóng cửa, ảnh hưởng đến sức khỏe và thu nhập của những lao động hiện tại thì còn chết nữa”, ông Lê Duy Toàn chia sẻ.

Doanh nghiệp đang 'khát' lao động
Đơn hàng tăng lên giữa căng thẳng dịch bệnh khiến các doanh nghiệp thiếu hụt lao động. 

Hiện tại, khu vực xung quanh nhà máy của Duy Anh Foods ở huyện Củ Chi (TP.HCM) đã xuất hiện một số ca mắc Covid-19, do đó công ty có gửi địa phương danh sách người lao động mong muốn tiêm vaccine. Nhưng đến nay, do số lượng vaccine còn hạn chế, cần ưu tiên cho những đơn vị có F0, F1 nên nhân sự ở Duy Anh chưa được tiêm.

“Nếu người lao động đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine thì mức độ an toàn cũng cao hơn, khi đó chúng tôi mới sẵn sàng tuyển thêm người mới để kịp tiến độ sản xuất. Còn bây giờ chưa ai được bảo vệ thì không thể đánh đổi”, ông Toàn nhấn mạnh.

Trong khi đó, mặc dù không thiếu hụt công nhân, Công ty Vũ Trụ Xanh (thương hiệu khoá PHGLock) lại có nhu cầu tìm kiếm nhân sự ở mảng thiết kế, digital marketing và bán hàng online.

Theo ông Hoàng Tuấn Anh, giám đốc doanh nghiệp, việc tăng quy mô đội ngũ trong thời điểm này là rủi ro. Bên cạnh vấn đề tuyển dụng đảm bảo an toàn, khâu đào tạo nhân sự mới cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn vì phải giúp người lao động nắm vững cả kĩ năng làm việc trực tiếp lẫn trực tuyến, để họ vẫn có thu nhập nếu bất ngờ nằm trong khu vực bị cách ly.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp?

Trong giai đoạn hiện nay, để đảm bảo an toàn tối đa cho nhà máy, quy trình tuyển dụng tại Dony đã có sự thay đổi. Trước đây, phòng nhân sự chỉ cần xem hồ sơ ứng viên và hỏi vài câu cơ bản thì sẽ hẹn ứng viên đến xưởng thử tay nghề. Nếu thấy tay nghề tốt sẽ tuyển ngay.

Còn hiện tại, công ty phỏng vấn sàng lọc qua điện thoại trước rồi phỏng vấn trực tiếp tại sân nhà máy với điều kiện tuân thủ quy định 5K. Sau đó, ứng viên có khả năng cao được tuyển mới vào xưởng để thử tay nghề sau khi khử khuẩn và bảo hộ đầy đủ.

“Với cách làm này, sẽ có không ít trường hợp tuy tay nghề giỏi nhưng kỹ năng trả lời phỏng vấn hạn chế sẽ chịu thiệt thòi. Lúc trước, tuyển dụng dựa trên tay nghề của công nhân là chính, còn nay không phải cảm tính nhưng hơn một nửa dựa vào khả năng nhìn người, đánh giá của bộ phận tuyển dụng. Có nhiều trường hợp người bị hỏi thấy chán, bỏ cuộc sớm. Họ mệt, mình cũng mệt”, ông Phạm Quang Anh chia sẻ.

Doanh nghiệp đang 'khát' lao động
Doanh nghiệp xoay đủ cách để đảm bảo nhân sự trong thời dịch. 

Trao đổi với Zing, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng nặng nề trong năm 2020. Những đơn vị này đã chủ động cắt giảm lao động nên nhu cầu tuyển mới hiện tại lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định trong giai đoạn dịch bệnh.

Bởi lẽ, theo quan sát của ông, lượng đơn hàng năm nay của ngành dệt may nhìn chung có sự tăng trưởng, kể cả so với năm 2019. Trong khi đó, chưa nói đến vấn đề doanh nghiệp ngại tuyển người lạ, số lao động về quê thời gian qua đã rất lớn. Đồng thời, trong đợt dịch lần này, lao động từ các tỉnh thành cũng gặp khó khăn trong việc di chuyển đến TP.HCM.

Trong bối cảnh này, ông cho rằng các doanh nghiệp đang cố gắng giữ chân lượng lao động hiện tại thông qua các chính sách lương thưởng, phúc lợi. Mặt khác, tăng ca sản xuất cũng là một giải pháp ngắn hạn, bởi bản thân người lao động hiện cũng sẵn sàng tăng ca để có thêm thu nhập.

Tuy vậy, cách tốt nhất là doanh nghiệp phải thương lượng với đối tác để nhận đơn hàng một cách cẩn trọng hơn, đảm bảo tính khả thi, chứ không thể nhận đơn ồ ạt với thời gian giao hàng gấp rút như các năm trước.

Tại Duy Anh, ông Lê Duy Toàn cũng cho biết đã làm việc với đối tác để có thể giao chậm 1-2 tuần. Các công nhân ở nhà máy hiện tăng ca thêm 1-2 tiếng mỗi ngày để kịp tiến độ sản xuất.

“Khác với các công ty may mặc hay sản xuất công nghiệp khác, chúng tôi không thể bố trí cho người lao động ăn, ngủ lại nhà máy vì còn yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, nên dù có tính trước các phương án ứng phó trong trường hợp có F0, F1 thì vẫn rất khó khăn”, ông giãi bày.

Thực tế, hiện có 38 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP.HCM đăng ký vừa cách ly vừa sản xuất. Để được chấp thuận triển khai, các doanh nghiệp này cần được xếp vào loại rất ít nguy cơ lây nhiễm hoặc nguy cơ lây nhiễm thấp, đồng thời đảm bảo nơi ở tập trung cho người lao động.

Tất cả người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và không đi khỏi nơi ở tập trung, nơi làm việc trong quá trình doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : COVID-19Việc làm

Các tin liên quan đến bài viết