TP Hồ Chí Minh có đến hàng chục khu chợ chuyên bán các loại đồ cũ. Chẳng hạn nếu bạn muốn mua quần áo có thể đến chợ Hoàng Hoa Thám, hay chợ Nhật Tảo – nổi tiếng với các sản phẩm đồ điện tử, linh kiện điện tử. Theo thống kê, quần áo thời trang, đồ điện tử, đồ gia dụng là 3 mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất khi mua đồ cũ.
Bà Gái đã hơn 30 năm bán remote (điều khiển) cũ tại góc chợ Nhật Tảo. Một cái điều khiển có giá 30.000 đồng. Khách khứa cũng lai rai nhưng chủ yếu là khách quen. Xưa chỉ có một khu chợ đồ cũ nên dễ bán hàng hơn bây giờ.
Đồ cũ rất đa dạng về chủng loại và giá cả.
“Giờ ra lề đường người ta không mua nữa, nói lề đường người ta không mua, nghĩ mình ngoài đường người ta không tin tưởng mình”, bà Gái chia sẻ.
Cạnh tranh với bà Gái chính là nhiều trang thương mại điện tử ra đời chuyên bán đồ cũ. Khảo sát của Carousell cho thấy, 83% người Việt Nam từng mua đồ đã qua sử dụng và sẽ tiếp tục mua. Vì vậy, các trang thương mại điện tử đều phát triển các tính năng mới bảo vệ người dùng và quy trình mua bán nhằm giảm rủi ro trong giao dịch trực tuyến khi mua các món đồ đã qua sử dụng.
“Có một số rào cản như nhiều người muốn mua đồ cũ nhưng không có thời gian để gặp gỡ, đàm phán hay mua phải đồ giả. Nhiều người có nhu cầu bán nhưng không thể sắp xếp món hàng. Vì vậy, chuyên trang mua bán đồ cũ thường tập trung giải pháp công nghệ giải quyết các vấn đề này nhằm mục tiêu tăng người sử dụng”, ông Quek Siu Rui, người đồng sáng lập, Tổng Giám đốc Carousell, cho hay.
Dù là những khu chợ đồ cũ đã tồn tại hàng chục năm, hay những chợ ảo mới hình thành gần đây đều chứng minh nhu cầu đối với các sản phẩm qua sử dụng. Thậm chí, với xu hướng thắt chặt chi tiêu, thị trường mua bán các sản phẩm đã qua sử dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn. Dự báo, ngành thương mại mua bán đồ cũ tại Việt Nam được định giá sẽ đạt 5,1 tỷ USD trong vòng 4 năm tới.
Nguồn: vietnamnet