Các nước Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường áp lực lên Pfizer và các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 khác để đàm phán lại hợp đồng, nhằm cắt giảm nguồn cung vắc xin nay đã không còn cần thiết.
Trong giai đoạn cấp tính nhất của đại dịch, Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU đã đồng ý mua lượng vắc xin khổng lồ, chủ yếu từ Pfizer và đối tác BioNTech, trong bối cảnh lo ngại không đủ nguồn cung.
Nhưng với việc đại dịch đang giảm ở châu Âu và tiến độ tiêm chủng đang chậm lại rõ rệt, nhiều quốc gia đang thúc giục điều chỉnh hợp đồng để giảm nguồn cung, nhằm cắt giảm chi tiêu cho vắc xin.
Theo Hãng tin Reuters, các bộ trưởng y tế EU đã họp ở Luxembourg vào ngày 14-6 về vấn đề này. Bộ trưởng Y tế Ba Lan Niedzielski nói sẽ bắt đầu đàm phán lại hợp đồng vào tháng 7.
Ba Lan có hơn 30 triệu vắc xin COVID-19 trong kho và sẽ cần mua thêm 70 triệu vắc xin khác theo các thỏa thuận hiện có. Nước này đang đi đầu trong nỗ lực điều chỉnh hợp đồng nhằm tránh lãng phí vắc xin.
Ba Lan có dân số khoảng 38 triệu người, với khoảng 60% được tiêm chủng đầy đủ. Tỉ lệ này ở EU là hơn 70%.
Trong một bức thư gửi tới Ủy ban châu Âu hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cùng với những người đồng cấp từ Bulgaria, Croatia, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania và Romania đã kêu gọi giảm số lượng vắc xin đặt hàng.
Các nước này cho biết hợp đồng đặt mua không đoán trước được đại dịch sẽ thay đổi ra sao và bây giờ nên điều chỉnh hợp đồng theo tình hình dịch đã được cải thiện.
Bức thư chung của các lãnh đạo bộ y tế cho rằng việc cung cấp lượng lớn vắc xin không cần thiết là gánh nặng đối với ngân sách nhà nước, đồng thời có khả năng cao là những liều vắc xin này sau cùng sẽ bị vứt bỏ.
Ủy viên EU phụ trách y tế và an toàn thực phẩm, bà Stella Kyriakides nói trong phiên họp hôm 14-6 rằng các nước EU không thể đơn phương thay đổi các điều khoản của hợp đồng.
Vào tháng 5, một quan chức EU giấu tên cho biết các nước thành viên trong khối sẽ thua bất kỳ vụ kiện pháp lý nào trước các nhà cung cấp vắc xin.
Nguồn: tuoitre.vn