Đi bộ hiện là một trong những hình thức tập luyện được yêu thích rộng rãi nhất vì tính chất nhẹ nhàng, dễ áp dụng, phù hợp với mọi lứa tuổi. Mọi người không chỉ tham gia đi bộ hằng ngày mà còn nâng việc đi bộ lên thành rèn luyện sức khỏe, giải trí.
Người dân đi bộ ở công viên Tao Đàn, quận 1, TP.HCM
Mặc dù đi bộ được xem là môn thể dục an toàn và ít va chạm, nhưng người tập vẫn có thể bị thương – đặc biệt nếu phải đi bộ nhiều km trong một ngày, đi trên các địa hình không bằng phẳng.
Hiện phong trào đi bộ ngày càng mạnh, mang lại những lợi ích cho sức khỏe của người dân. Tuy nhiên cũng có không ít những trường hợp người đi bộ bị bong gân mắt cá chân, đau cẳng chân, phồng rộp do mang giày không phù hợp, thậm chí nặng hơn là viêm cân gan chân.
Chú ý các nguy cơ gây chấn thương
Thời gian gần đây, có không ít trường hợp người đi bộ gặp chấn thương do đi bộ quá sức. Nếu đi bộ nhiều hơn sức chịu đựng của cơ thể, phần bắp cơ ở phía sau cẳng chân sẽ có cảm giác căng tức, khiến quãng đường đi bộ hằng ngày bị giảm đi đáng kể. Đây là dấu hiệu của hội chứng tập luyện quá sức.
Hội chứng tập luyện quá sức có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu khác như đau đầu tái đi tái lại nhiều lần, nhịp tim lúc nghỉ ngơi tăng cao, đau khắp cơ thể dai dẳng.
Nếu cảm nhận được cơ thể đang hoạt động quá sức, người tập cần giảm cường độ tập luyện và quãng đường đi bộ để phục hồi thể chất.
Đối với những người có bệnh tim mạch hoặc hô hấp kèm theo thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Các loại chấn thương thường gặp khi đi bộ
Đi bộ là hoạt động an toàn, gần như không có va chạm và dễ thực hiện, nhưng vẫn có khả năng để lại các tổn thương không đáng có.
Cổ chân là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đi bộ. Tần suất chấn thương cổ chân khiến người tập thể dục phải nhập viện điều trị ngày càng nhiều.
Ngoài ra còn các tổn thương khác như bị đau nhức cẳng chân, đau phía trước đầu gối (đặc biệt thường gặp ở những người chạy bộ), đau dai dẳng ở vùng hông và thắt lưng.
Bên cạnh đó, người đi bộ có thể gặp các vấn đề khác như rộp chân, viêm cân gan chân… thường gặp khi mang giày không đúng kích cỡ.
Làm sao để tránh chấn thương khi đi bộ?
Để giảm tỉ lệ chấn thương, người đi bộ cần bắt đầu đi với tốc độ vừa phải, mang giày đúng kích cỡ và tăng vận tốc, quãng đường đi bộ dần dần. Một vấn đề thường gặp với người chạy bộ hoặc đi bộ là hiện tượng đau nhức cẳng chân. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu do người tập tăng vận tốc và quãng đường quá đột ngột.
Sau khi đi bộ, người đi bộ cần dành ra khoảng 10 đến 15 phút để kéo giãn cơ, đặc biệt là vùng cơ ở phía sau cẳng chân.
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc kéo giãn cơ cần được thực hiện ngay sau khi đi bộ để cơ bắp được phục hồi tốt nhất.
Một phương pháp khác để thư giãn chính là ngâm chân trong nước lạnh. Khi ngâm chân nước lạnh, các chấn thương nhỏ và tình trạng viêm sẽ thuyên giảm.
Một yếu tố khác ít được quan tâm là môi trường đi bộ. Đối với các khu vực phía Bắc, người đi bộ ngoài trời cần có trang phục thể thao phù hợp để giữ ấm cơ thể.
Ngoài ra, đồ thể thao cần thấm hút mồ hôi tốt để phòng tránh mắc các bệnh da liễu. Bên cạnh đó, những người bị hen suyễn nên hạn chế đi bộ ngoài trời khi thời tiết trở lạnh.
Vào mùa hè nắng nóng, vùng gáy cần được che phủ (vùng điều hòa nhiệt độ cơ thể) và bổ sung đầy đủ nước điện giải.
Lắng nghe cơ thể mình
Khi đi bộ, người luyện tập cần lắng nghe cơ thể mình và dừng đi bộ khi cảm thấy cơn đau.
Khi cơn đau kéo dài dai dẳng và đã sử dụng các biện pháp giảm đau nhưng không thuyên giảm, người đi bộ cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguồn: tuoitre.vn