Ngành văn hóa cần nâng cao chất lượng xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được ghi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một trong những mốc son chói lọi. Thành công ấy là kết quả quá trình đấu tranh không mệt mỏi của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cùng sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước.
Một trong những yếu tố để tạo nên sức mạnh tổng hợp là sự ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo năm 1943.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ, bình thơ của các cụ phụ lão và các văn nghệ sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội ngày 5/2/1962
Tầm quan trọng của văn nghệ sĩ
GS.TS Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, giữa lúc bộn bề công việc, thù trong giặc ngoài, Đảng ta vẫn bình tĩnh ra một bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Gọi như vậy bởi Đảng đã khẳng định, con đường cách mạng của chúng ta dứt khoát phải đi đến thắng lợi, sự nghiệp văn hóa phải hình thành và phát triển, trở thành động lực của cuộc kháng chiến.
“Với ba phương châm: Dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã nhanh chóng tác động sâu sắc, làm thay đổi nhận thức cũng như thu hút đông đảo giới tri thức, văn nghệ sĩ mà trong hoàn cảnh trước đó còn ngần ngại, chờ đợi, quan sát. Cuốn họ vào dòng chảy đất nước, sát cánh với người dân, có mặt trên tất cả mặt trận sản xuất, chiến đấu, khoa học, giáo dục… Nhờ đó, hàng loạt tác phẩm, thành tựu văn hóa mới đã ra đời trở thành món ăn tinh thần, cổ vũ động viên quần chúng nhân dân đi đến thắng lợi cuối cùng”, GS.TS Trần Văn Bính khẳng định.
Theo nhà văn Đỗ Kim Cuông, khi nhà thơ Tố Hữu viết về cuộc sống của người lính Điện Biên trong chiến dịch lịch sử: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!… ” cũng là lúc ông cùng với người lính ra trận.
Là người lính từng trải, gắn bó máu thịt với nhân dân, nhà thơ Quang Dũng đã cho chúng ta những câu thơ còn mãi với thời gian. “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm/Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm“.
“Văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng luôn lấy cuộc sống và con người là nhân vật trung tâm. Những nhà văn và nghệ sĩ chân chính luôn lấy đó làm thước đo các tác phẩm của mình. Các tác phẩm văn chương của thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ minh chứng cho bức tranh hiện thực sinh động ấy”, nhà văn Đỗ Kim Cuông khẳng định.
Cùng quan điểm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, ra đời khi cách mạng Việt Nam vẫn còn trong bóng tối, nhưng “ánh sáng” của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã lan tỏa rộng khắp.
“Không thể nói khác, chính Đề cương về văn hóa Việt Nam đã kết nối và giục giã nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, đi cùng nhân dân. Đọc lại Đề cương về văn hóa Việt Nam sau 80 năm, không thể không ngạc nhiên về tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong phát triển văn hóa, văn hóa nghệ thuật được trình bày một cách rõ ràng và ấn tượng”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn khẳng định, nhờ mục tiêu rõ ràng như vậy, Đề cương về văn hóa Việt Nam trở thành nền tảng phát triển tiếng Việt suốt 80 năm qua. Ngay từ buổi sơ khai của cách mạng, các nhà văn như Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Hoài Chân, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Tô Hoài… đã tích cực tham gia vào cuộc chấn hưng tiếng Việt. Lộ trình trong sáng tiếng Việt từng bước được nhiều thế hệ tác giả Việt Nam vun đắp, khiến tiếng Việt ngày càng giàu đẹp.
Sinh hoạt văn nghệ của cơ quan trong kháng chiến chống Pháp
Lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp
Trong bối cảnh đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, những nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 xác lập vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, thông điệp “tranh đấu về tiếng nói, chữ viết” vẫn còn rất nóng bỏng.
“Vì công nghệ thông tin và lối sống thực dụng đang làm méo mó tiếng Việt. Những kiểu nói tắt, nói sai nghĩa gốc, nói độn tiếng Anh… đang phổ biến trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là vấn đề cần được soi chiếu bằng Đề cương về văn hóa Việt Nam, nhằm có sự chấn chỉnh kịp thời.
Các nhà văn, nhà thơ cần thấm nhuần tư tưởng của bản Đề cương để bằng ngòi bút có những đấu tranh, phản bác kịp thời chống lại sự “vấy bẩn” tiếng Việt. Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt cũng là góp phần phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chia sẻ.
Với GS.TS Trần Văn Bính, trong giai đoạn hiện nay, ngành văn hóa cần nâng cao chất lượng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ – người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
“Kinh nghiệm của Bác Hồ khi thực hiện, Bác có chủ trương rất rõ. Ví dụ, khi phải nâng cao trình độ văn hóa của người dân thì Bác phát động phong trào Bình dân học vụ, bổ túc văn hóa rồi xây dựng, phát triển mạng lưới giáo dục quốc dân sau cách mạng”, ông Bính nói.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Viết Chức nhắc lại câu mà UNESCO đã từng khẳng định: “Ở đâu phát triển kinh tế mà không quan tâm đến văn hóa thì hệ lụy sẽ khôn lường”. Không phải chỉ kinh tế không phát triển được mà xã hội sẽ lâm vào khủng hoảng, suy thoái, đồi bại.
“Ở nước ta, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển văn hóa, tuy nhiên vẫn có không ít những vấn đề về văn hóa đã ở mức báo động. Chẳng hạn như, trong xã hội những tệ nạn đang ngày càng tăng cả về số lượng, cường độ, mức độ và tính chất. Hay như chuyện tham nhũng, tham ô, nhũng nhiễu… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này nhưng có thể nói nguyên nhân cơ bản vẫn là do con người, là do văn hóa.
Vì vậy, tập trung đầu tư cho văn hóa, xác định lại để quán triệt sâu sắc Đề cương về văn hóa Việt Nam cách đây 80 năm với toàn bộ những đường lối, những Nghị quyết của Đảng và đem những những đường lối đúng đắn đó vào cuộc sống thì mới có thể loại bỏ những điều không tốt đẹp trong xã hội”, ông Chức nói.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình tổng thể quốc gia phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2030 đặt mục tiêu chấn hưng, thúc đẩy văn hóa thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội đang được gấp rút xây dựng để thúc đẩy sức mạnh nội sinh, đóng góp vào sự phát triển bền vững đất nước.
Nguồn: vietnamnet