Sáng 1/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Ngô Sách Thực phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa – TTXVN)
Bàn về người được trợ giúp pháp lý, nhiều đại biểu tán thành với quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị mở rộng diện người được hưởng trợ giúp pháp lý đối với một số đối tượng cụ thể, như: hạ sĩ quan, binh sĩ làm nghĩa vụ quân sự bị buộc tội; phụ nữ đang mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người bị hạn chế về tinh thần, người bị bệnh hiểm nghèo, người bị tai nạn, sự cố bất ngờ, thiên tai, địch họa, công nhân, người lao động là nạn nhân bị lừa đảo hoặc bị cưỡng bức lao động…
Đại biểu Phạm Thị Thanh Thuý (tỉnh Thanh Hoá); Ngô Sách Thực (tỉnh Bắc Giang) và nhiều đại biểu cho rằng, diện người được trợ giúp pháp lý quy định như dự thảo là đã bị “thu hẹp” hơn. Cụ thể, người khuyết tật; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; người nhiễm chất độc da cam/dioxin… có điều kiện khó khăn về tài chính mới được trợ giúp pháp lý là không hợp tình, vì như vậy sẽ mâu thuẫn Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống buôn bán người… ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thân của nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội. Do vậy, các đại biểu đề nghị bỏ quy định điều kiện “khó khăn về tài chính” của người được trợ giúp pháp lý.
Về yêu cầu trợ giúp pháp lý, đại biểu Phạm Thị Thanh Thuý băn khoăn người làm đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý phải trình tất cả các giấy tờ cần thiết để yêu cầu trợ giúp pháp lý nhằm chứng minh mình thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, theo đại biểu đây là một gánh nặng hành chính đối với người hoàn cảnh dễ bị tổn thương, nhất là những người đang có yêu cầu cấp bách cần được trợ giúp pháp lý.
Đại biểu dẫn chứng, trong nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình chỉ kịp chạy cứu lấy thân hoặc nạn nhân của hành vi mua bán người không có giấy tờ cá nhân chứng minh mình là đối tượng được trợ giúp pháp lý thì sẽ giải quyết thế nào. Do đó, đại biểu Thanh Thúy đề nghị quy định thủ tục trợ giúp pháp lý theo hướng linh hoạt, mềm dẻo nhằm tạo điều kiện cho những người cần được hỗ trợ có thể tiếp cận dịch vụ pháp lý.
Đề cập xã hội hoá hoạt động trợ giúp pháp lý, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục đa dạng hóa, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý. Có ý kiến đề nghị quy định rõ cơ chế Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.
Cụ thể, đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) cho hay, dự thảo quy định Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý, theo đại biểu còn chung chung, không quy định chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân tích cực tham gia trợ giúp pháp lý. Do vậy cần phải có cơ chế thích hợp để giảm gánh nặng kinh phí của Nhà nước.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến (TP. Hà Nội), dự án Luật đã đề cập đến yếu tố xã hội hóa để thực hiện trợ giúp pháp lý rất lớn, đặc biệt tập hợp lực lượng tham gia trợ giúp pháp lý gồm cộng tác viên trợ giúp pháp lý, đội ngũ luật sư… Luật Luật sư quy định, luật sư có trách nhiệm trợ giúp pháp lý miễn phí 8 giờ/năm.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến chia sẻ thêm, luật sư luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ này nhưng quy định đó đòi hỏi phải thể chế hoá, phối kết hợp với Luật Trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện để nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý được nâng lên và mạnh lên. Làm được điều này sẽ giảm bớt gánh nặng về tài chính cho ngân sách nhà nước trong việc chi phí cho trợ giúp viên pháp lý, đồng thời mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Một số ý kiến cũng đề nghị, hỗ trợ ngân sách Trung ương cho các địa phương không đủ khả năng, ngân sách chi trả cho vụ việc trợ giúp pháp lý. Nghiên cứu, xem xét theo hướng hỗ trợ kinh phí, ngân sách Trung ương cho thực hiện trợ giúp pháp lý cho các huyện nghèo, xã nghèo tại các tỉnh chưa cân đối được ngân sách. Đồng thời, việc hỗ trợ kinh phí phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước./.
Nguồn dangcongsan.vn