Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) mới đây thông báo sẽ “đình chỉ vô thời hạn” mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại kinh tế chiến lược Trung Quốc-Australia (SED) do Australia “phân biệt đối xử về ý thức hệ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố “phía Australia phải chịu mọi trách nhiệm” về việc các cuộc đàm phán bị hủy bỏ.
Ông Uông cáo buộc: “Thời gian qua, bất chấp lập trường và các tuyên bố chính thức của Trung Quốc, phía Australia đã gia tăng việc hạn chế và ngăn chặn các dự án hợp tác hai bên về thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân dựa trên các lý do ‘an ninh quốc gia giả tạo'”.
Thủ tướng Australia Scott Morrison và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, điều này đã “làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin lẫn nhau và phá hoại nền tảng cho sự trao đổi và hợp tác bình thường” và Trung Quốc “không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra các phản ứng cần thiết và hợp pháp”.
Ông Uông Văn Bân kêu gọi Australia “gạt sang một bên tâm lý chiến tranh Lạnh và thành kiến về ý thức hệ, nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc và sự hợp tác giữa Trung Quốc – Australia một cách thực sự khách quan… và sửa chữa những sai lầm của mình”.
Phản ứng trước quyết định trên của Trung Quốc, các bộ trưởng cấp cao trong chính quyền Thủ tướng Scott Morrison, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan và Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne, đều bày tỏ sự “thất vọng” trong khi mô tả SED là “một diễn đàn quan trọng để Australia và Trung Quốc giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ đối tác kinh tế” giữa hai nước.
Trả lời truyền thông trong nước, ông Tehan khẳng định: “Chúng tôi vẫn sẵn sàng tổ chức đối thoại và tham vấn ở cấp bộ trưởng”.
Căng thẳng vì đâu?
Mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh suy giảm mạnh kể từ năm 2018 khi Australia trở thành quốc gia đầu tiên cấm công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển mạng viễn thông 5G của nước này.
Hai nước tiếp tục “cơm không lành” năm ngoái sau khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của dịch Covid-19. Kể từ đó, Trung Quốc đã áp đặt thuế quan hoặc gây khó khăn cho việc xuất khẩu hơn một chục mặt hàng chủ chốt của Australia, bao gồm rượu vang, tôm hùm, lúa mạch, gỗ và than đá.
Trong hơn 1 năm, các bộ trưởng Australia đã nhiều lần kêu gọi đối thoại với những người đồng cấp Trung Quốc để giải quyết các bất đồng nhưng không nhận được bất kỳ hồi âm nào.
Theo các chuyên gia, thông báo của NDRC được cho là nhằm đáp lại quyết định của chính phủ liên bang Australia vào tháng trước về việc hủy bỏ thỏa thuận hợp tác Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) của chính quyền bang Victoria với Trung Quốc vì lý do không phù hợp với lợi ích quốc gia theo đạo luật quan hệ đối ngoại được ban hành vào cuối năm 2020.
Không những thế, nhiều người cũng cảnh báo về “sự trả đũa” tiếp theo của Trung Quốc trước thông tin Bộ Quốc phòng Australia đang xem xét lại hợp đồng cho công ty Landbridge thuộc sở hữu của Trung Quốc thuê cảng Darwin ở Bắc Australia trong 99 năm.
Các chuyên gia cho rằng, quyết định của Canberra hủy bỏ hợp đồng thuê cảng Darwin, ngay cả khi đi kèm với các khoản bồi thường đầy đủ và công bằng cho Landbridge, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng của Bắc Kinh trong việc đạt được các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác.
Thách thức trong chính sách đối ngoại
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ đã trở thành cường quốc duy nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm thay đổi đáng kể triển vọng chiến lược của Australia, khi đại lục trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nước này những năm qua với 1/3 hàng xuất khẩu của Australia có điểm đến là Trung Quốc.
Trung Quốc thông báo sẽ “đình chỉ vô thời hạn” mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại kinh tế chiến lược Trung Quốc-Australia. |
Một mặt, Australia muốn Trung Quốc tiếp tục phát triển, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của chính xứ chuột túi. Mặt khác, ở vị thế là một đồng minh quan trọng của Mỹ, Australia vẫn muốn Mỹ là siêu cường mạnh nhất thế giới. Sự mâu thuẫn này đang là thách thức địa chính trị lớn nhất đối với Australia hiện nay.
Australia vì thế phải đối mặt với một vấn đề nan giải. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để đối phó với sự phức tạp của mối quan hệ căng thẳng mới giữa 2 cường quốc kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Sự cạnh tranh toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ đặt ra những thách thức mới, đặc biệt là đối với các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Giống như các quốc gia có chủ quyền khác trong khu vực, Australia không muốn bị buộc phải đưa ra lựa chọn giữa bên này hay bên kia.
Thủ tướng Morrison ngày 25/11/2020 đã có bài viết đăng trên Australian Financial Review (AFR), trong đó khẳng định việc buộc phải đưa ra sự lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ không mang lại lợi ích cho Australia.
Sức ép từ nhiều phía
Ngày 25/5/2020, Đại sứ Mỹ tại Australia Arthur Culvahouse truyền tải lời cảnh báo từ Ngoại trưởng Mỹ lúc đó Mike Pompeo rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể “đơn giản sẽ ngắt kết nối” với Australia, nếu thỏa thuận liên quan tới sáng kiến BRI được ký kết giữa bang Victoria (Australia) với Trung Quốc gây ảnh hưởng tới lĩnh vực viễn thông của Mỹ.
Tuy nhiên, ông Culvahouse nhấn mạnh, Mỹ tin tưởng đồng minh của mình sẽ có thể bảo vệ an ninh mạng viễn thông quốc gia, cũng như các nước đối tác. Ông nói phía Mỹ không biết chi tiết về nội dung thỏa thuận và hiểu rằng đây là một vấn đề thuộc thẩm quyền của chính phủ liên bang Australia.
Tuy nhiên, nếu thỏa thuận đó là một sáng kiến về lĩnh vực viễn thông, nó có khả năng sẽ tạo ra rủi ro cho tính toàn vẹn của hệ thống mạng viễn thông giữa Australia và Mỹ. Do vậy, Washington sẽ xem xét kỹ trường hợp này và có thể hành động như những gì mà Ngoại trưởng Pompeo đã cảnh báo.
Đại sứ Culvahouse khẳng định Mỹ tin tưởng Australia, với tư cách là đồng minh thân thiết và là đối tác của Nhóm tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes), sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho các mạng viễn thông quốc gia.
Còn đối với Trung Quốc, đơn giản là kinh tế luôn đi liền với chính trị. Trung Quốc không chấp nhận cách tiếp cận vừa dựa vào Mỹ để đạt được mục đích an ninh, vừa dựa vào Trung Quốc để đạt được lợi ích kinh tế.
Các nhà phân tích cho rằng các hành động của Bắc Kinh khi “trừng phạt” Australia nhằm mục đích ngăn chặn các nước khác, trong đó có Canada và các nước châu Âu, đứng về phía Mỹ.
Chuyên gia nghiên cứu Zack Cooper thuộc Viện doanh nghiệp Mỹ cho biết: “Bắc Kinh đang tìm cách trừng phạt Australia để làm gương và khiến Australia phải trả giá vì bất đồng công khai với Bắc Kinh trong một loạt vấn đề. Đây là hình thức trừng phạt kiểu ‘giết gà dọa khỉ’”.
Nguồn: vietnamnet