19 giấy khai sinh trống tên cha mẹ, đều đứng tên người đi khai sinh là một nhân viên Bệnh viện Từ Dũ vừa được đem từ UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM về bệnh viện chiều 14-11.

Đăng ký khai sinh cho 19 trẻ bị bỏ rơi - Ảnh 1.

Chị Lê Kim Thủy – nhân viên phòng hành chính quản trị Bệnh viện Từ Dũ, “bà má” của những đứa trẻ bị bỏ rơi 

14 trẻ ở làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) và 5 trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện đã có giấy khai sinh. Tin vui này nhanh chóng lan truyền trong đội ngũ lãnh đạo, bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ trưa cùng ngày.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải – phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, với những đứa trẻ khiếm khuyết, đó là một cảm xúc rất lớn, rất ý nghĩa, để các con được đảm bảo quyền công dân, được khám chữa bệnh miễn phí, được hòa nhập cộng đồng.

“Bà má” của những đứa trẻ ở Bệnh viện Từ Dũ là chị Lê Kim Thủy, nhân viên phòng hành chính quản trị, người lo tươm tất mọi thủ tục giấy tờ khai sinh cho trung bình 60 trẻ/năm suốt ba năm qua.

Từ năm 2014 đến nay, bao nhiêu giấy khai sinh được đăng ký là bấy nhiêu lần tên chị đặt cùng tên các em.

Những đứa trẻ được nuôi dưỡng ở làng Hòa Bình chủ yếu là những đứa trẻ khiếm khuyết. Bao nhiêu chi phí ăn uống, sinh hoạt, thuốc men đều do Bệnh viện Từ Dũ đứng ra lo.

Có những đứa trẻ bị bệnh nặng phải điều trị ở nhiều bệnh viện, tốn rất nhiều chi phí, giấy khai sinh là một điều kiện để các em được mua bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh giảm chi phí, miễn phí.

Để các em có giấy tờ tùy thân, được đảm bảo quyền công dân, để các em được mua bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh miễn phí, giảm phí… là những trăn trở của ban lãnh đạo bệnh viện, của ông Đỗ Hồng Dân – trưởng phòng hành chính quản trị của bệnh viện.

Từ đó, ông lên kế hoạch phải đăng ký cho được giấy khai sinh cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị khiếm khuyết dẫu biết lý lịch các em gần như là số không.

“Có địa chỉ và tên mẹ đứa trẻ trong giấy khai lúc sinh nhưng hầu hết khi các em bị bỏ lại bệnh viện, chúng tôi liên hệ đều là địa chỉ không đúng, liên hệ không được” – ông Dân nói.

Bao nhiêu thủ tục từ lúc trẻ bị bỏ rơi đến lúc trẻ được nhận giấy khai sinh là bấy nhiêu lần chị Thủy, người phụ nữ hơn 40 tuổi với dáng người nhỏ, chạy ngược chạy xuôi cho đủ.

“Có lúc đang làm việc gì lỡ cỡ mà bên phường gọi điện là bỏ ngang chạy lên liền cho kịp, chứ trễ là hơn một tuần nữa mới có. Chạy tới chạy lui cũng cực nhưng may là giấy tờ các anh công an bên UBND phường đều hướng dẫn cụ thể, chi tiết nên cũng tiết kiệm phần nào thời gian” – chị Thủy nói.

Chị Thủy cho biết ông xã chị cũng là tài xế chở những đứa trẻ hoàn tất thủ tục về các nơi nuôi dưỡng. Hai vợ chồng cùng nhau đồng hành với những đứa trẻ, niềm vui cứ thế nhân đôi.

Những đứa trẻ của… Noel, lễ tết!

Chị Thủy chia sẻ sau hơn ba năm làm công việc này, chị nhận thấy chủ yếu những người mẹ bỏ con là những người trẻ lỡ dại.

Việc bỏ lại những đứa trẻ thường rơi vào những người trẻ lỡ dại, mang thai vào những dịp Noel, Tết tây, ngày lễ tình nhân nên số lượng những đứa trẻ bị bỏ lại rất nhiều vào những tháng cuối năm.

“Những cô gái còn rất trẻ”, chị nhấn mạnh. Nói rồi chị đưa ra những tờ khai, có trường hợp mẹ đứa trẻ sinh năm 2000.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bà máBệnh viện Từ Dũbị bỏ rơidịp Noelđứa trẻkhai sinh

Các tin liên quan đến bài viết