Những năm gần đây, nhiều nông dân ở địa bàn huyện Đồng Phú đã mạnh dạn đầu tư làm kinh tế tổng hợp vườn – ao – chuồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, nhiều hộ đã tự vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. Anh Nguyễn Xuân Kiều (SN1968) ở ấp 7, xã Tân Lập là một điển hình.

Nhờ mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, từ một hộ nghèo trong ấp, đến nay, gia đình anh Kiều đã có kinh tế khá với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Kiều nhớ lại những ngày tháng lập nghiệp gian khó: Sinh ra trong gia đình thuần nông ở tỉnh Nghệ An, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng nên cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1996, tôi đưa cả gia đình vào Bình Phước lập nghiệp. Mới đầu, không có đất sản xuất chúng tôi sống chủ yếu bằng nghề làm thuê (thợ hồ, buôn gà, vịt, mì…) nên cuộc sống vẫn không thoát nghèo.

Anh Kiều cho cá ăn

Có lần tình cờ xem tivi, anh Kiều biết được nuôi cá nước ngọt đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, không chỉ giúp nhiều gia đình thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở địa bàn có nhiều ao, hồ, đầm rất phù hợp phát triển nuôi cá nước ngọt nên ban đầu anh tận dụng diện tích lòng hồ tự nhiên ngay trước nhà để cải tạo nuôi cá. Tuy nhiên không nuôi cá là thuận lợi ngay, do những năm đầu chưa có kinh nghiệm cá chết nhiều, lỗ nặng. Không nản chí, anh gây dựng lấy đó làm kinh nghiệm để gây dựng lại. Hiện nay, với hơn 3 ha mặt hồ anh thả nhiều loại cá như trắm cỏ, tra, rô phi, trôi, mè, tai tượng, bống… để tận dụng nguồn thức ăn trong hồ. Anh Kiều cho biết: Tôi chọn nuôi những loại cá có sức đề kháng tốt, ít bệnh và thời gian nuôi ngắn, được thị trường ưa chuộng. Ngoài thức ăn tổng hợp dạng viên có sẵn, anh còn tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp như: rau, cỏ, bèo, lá mì… để làm thức ăn bổ sung cho cá, giảm bớt chi phí. Nhờ diện tích mặt nước lớn nên cá không bị ngạt khí và không tốn công thay nước. Anh Kiều tính, so với trồng lúa, nuôi cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Người nuôi có thể tranh thủ thời gian nông nhàn, mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 30 phút để cho cá ăn (sáng, chiều).

Quá trình nuôi cá, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá để giảm thiểu rủi ro. Với bản tính cần cù, chịu khó học tập kinh nghiệm qua sách báo, tham quan các mô hình hiệu quả, đến nay, với hơn 20 tấn cá các loại giá bán trung bình 40 ngàn đồng/kg, trừ chi phí gia đình anh thu lãi khoảng 400 triệu đồng/lứa.

Anh Kiều cho rằng để nuôi cá đem lại hiệu quả kinh tế cao cần chọn giống tốt và môi trường trong sạch – yếu tố tiên quyết để cá khỏe mạnh và phát triển tốt, không bị bệnh. Vì vậy, công đoạn xử lý, cải tạo ao, hồ nuôi rất quan trọng, phải loại bỏ khí độc, thức ăn thừa, mầm bệnh tồn tại trong nước.

Ngoài nuôi cá, anh Kiều còn đầu tư trồng 700 cây dừa xung quanh hồ nuôi vừa tạo bóng mát cho đàn cá vừa tránh sạt lở bờ hồ, khi dừa có trái anh sẽ có thêm nguồn thu từ loại cây này. Bên cạnh đó, anh còn nuôi 2 con heo nái và 10 heo thịt; trồng 230 nọc tiêu chuẩn bị cho thu hoạch, 1.000 cây cam và bưởi da xanh hơn 2 năm để tăng thu nhập cho gia đình.

Cách làm kinh tế tổng hợp nhưng gia đình anh Kiều đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cái khó nhất cho nhà nông là tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, nếu người dân không thu hoạch đại trà mà thu rải trong năm thì sẽ tiêu thụ dễ dàng hơn. Đó cũng là kinh nghiệm quý anh Kiều rút ra trong quá trình áp dụng thực tiễn tại vườn nhà, nhờ vậy mà sản phẩm của gia đình anh luôn có lãi.

Minh Hiền (BPO)

Từ khóa : dám làmdám nghĩnuôi cásản phẩmthực tiễn

Các tin liên quan đến bài viết