Ngày 23/5, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với nội dung thảo luận tại tổ để cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2017; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Khắc phục nợ đọng, trùng lặp nội dung trong văn bản luật  
Thảo luận tại Tổ 19 vào sáng nay gồm 3 tỉnh, thành phố (Bình Phước, Sóc Trăng, Hải Phòng) với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các Bộ ngành cần khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản chi tiết các luật đã được Quốc hội thông qua để luật thực sự đi vào cuộc sống. Hiện nay, ngoài tình trạng nợ đọng văn bản thì vẫn còn sự trùng lặp một số quy định trong các thông tư, nghị định. Do vậy, trung ương cần phải rà soát, tích hợp lại trong một số ít văn bản để dễ thực hiện. Đại biểu Phan Viết Lượng nêu ra một thực tế là có một điều luật nhưng có hơn 10 văn bản dưới luật, dẫn đến không biết áp dụng theo văn bản nào mới đúng.
 
Đại biểu Phan Viết Lượng phát biểu tại phiên thảo luận.
 
Về hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng quy trình, thủ tục lựa chọn nội dung chương trình giám sát của nhiệm kỳ này là rất bài bản, rõ ràng, đảm bảo tính khoa học và dân chủ. Nội dung giám sát theo kịp những vấn đề mà cử tri bức xúc, quan tâm, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như công tác xây dựng pháp luật ngày càng tốt hơn.
Tuy vậy, theo đại biểu Lượng, những hạn chế tồn tại của hoạt động giám sát vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đó là các kiến nghị giám sát vẫn còn chung chung, chưa chỉ rõ được trách nhiệm của các cơ quan, các cá nhân liên quan trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật. Việc thực hiện những kiến nghị giám sát hầu như không bám sát, theo dõi đến cùng.
Đối với chương trình giám sát năm 2018, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng cần có sự gắn kết giữa chương trình xây dựng luật với giám sát. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách đối với dân tộc miền núi, song các chính sách này phân bố rải rác trong các văn bản dưới luật, rất phân tán và trùng lặp, có những quy định hỗ trợ cho đồng bào dân tộc nhưng khả năng tác động thúc đẩy sự phát triển tương đối nhỏ. Vì vậy, Chính phủ cần có sự tích hợp hoặc đánh giá lại việc thực hiện các quy định này khi đó mới đảm bảo các mục tiêu hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc.
Để nâng cao chất lượng giám sát, đại biểu Phan Viết Lượng đồng tình với các quy định trong tờ trình, song đề nghị cần quan tâm đến việc điều phối giám sát để tránh sự trùng nhau ở các địa phương, tránh quá tải của các cơ quan.
Đại biểu Lượng nhấn mạnh: Không cần số lượng mà phải tập trung chất lượng và tái giám sát những vấn đề nóng, bức xúc trong dư luận như việc sử dụng đất của các nông – lâm trường, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý đô thị…
Ưu tiên xây dựng những luật liên quan đến tiến trình hội nhập, phát triển đất nước
Đó là ý kiến của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Lợi tại phiên thảo luận. Đại biểu Nguyễn Văn Lợi cho rằng chương trình xây dựng luật phải ưu tiên các luật: Hỗ trợ doanh nghiệp, Hành chính (liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức), Bảo vệ môi trường, Luật an ninh mạng…Vì đây là những vấn đề rất cấp thiết cần có luật để điều chỉnh nhằm theo kịp sự phát triển của xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 6 FTA thế hệ mới là Hiệp định Việt Nam – EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đại biểu Nguyễn Văn Lợi phát biểu thảo luận tại tổ.
Thời gian qua, việc thực hiện các quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan tích cực trong công tác xây dựng luật, Pháp lệnh, bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng các dự án luật, Pháp lệnh. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Lợi, bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập, triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh còn có nhiều hạn chế. Đó là việc chương trình đã được thông qua nhưng vẫn phải điều chỉnh nhiều, việc Luật cạnh tranh phải lùi lại là điều đáng tiếc.
Về chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2017, sau khi điều chỉnh và trình Quốc hội thông qua 13 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến về 5 dự án luật. Về chương trình xây dựng luật và Pháp lệnh năm 2018, dự kiến gồm 24 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Cũng như đại biểu Phan Viết Lượng, đại biểu Nguyễn Văn Lợi cho rằng việc xây dựng luật phải song hành với việc xây dựng các thông tư, nghị định, hướng dẫn thi hành luật, bởi thực tế cho thấy tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa được khắc phục triệt để, có trường hợp nợ nhiều năm chưa được ban hành. Do vậy, Chính phủ, các Bộ ngành cần khắc phục tình trạng này để luật sau khi ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Về hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2018, đại biểu Nguyễn Văn Lợi nhất trí với 2 nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.
Khai mạc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14
Ngày 22/5, Quốc hội khóa 14 đã khai mạc Kỳ họp thứ 3 tại Thủ đô Hà Nội.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 4 dự án luật khác. Xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Quốc hội còn dành thời gian giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; xem xét thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Ngoài ra, Quốc hội còn nghiên cứu các báo cáo về giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và một số báo cáo khác của Chính phủ.
Mỹ Hạnh
Trần Thể

Từ khóa : đại biểu quốc hộiKỳ họp thứ 3Quốc hội khóa 14

Các tin liên quan đến bài viết