Đây là nghị quyết có nội dung được điều chỉnh khá nhiều so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, sau khi tiếp thu góp ý của các vị đại biểu.
Với đa số phiếu tán thành, vào ngày cuối của kỳ họp (19-6), Quốc hội đã thông qua nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Khác xa so với phương án Chính phủ trình trước đó (chỉ doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 50 tỉ đồng, sử dụng không quá 100 lao động mới được miễn 30% thuế TNDN), nghị quyết chính thức của Quốc hội đã mở rộng đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp.
“Khích lệ doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh”
“Tôi rất cảm động, đây là một quyết định lớn của Quốc hội trong bối cảnh số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Tôi cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là ý kiến của các vị ĐBQH quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp” – đại biểu Nguyễn Văn Thân – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nói.
So với phương án ban đầu, Quốc hội đã quyết định mở rộng đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp, theo đó các doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 200 tỉ trong năm 2020 đều được giảm 30% thuế TNDN. Đặc biệt, nghị quyết không còn khống chế số lao động dưới 100 người như phương án cũ.
“Như vậy, số lượng doanh nghiệp được hưởng chính sách này sẽ tăng lên đáng kể. Số tiền mà doanh nghiệp được thực hưởng cũng tăng lên nhiều so với phương án trước đó do nghị quyết tăng gấp 4 lần tổng doanh thu của một doanh nghiệp được hưởng chính sách so với phương án ban đầu. Việc bỏ giới hạn 100 lao động sẽ giúp các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỉ nhưng sử dụng nhiều lao động được hưởng chính sách này” – ông Thân phân tích.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “việc thực hiện mở rộng đối tượng được giảm thuế nêu trên thì số giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020 tăng từ 15.840 tỉ đồng lên khoảng 23.000 tỉ đồng so với phương án Chính phủ trình”. Nếu đây là dự báo chính xác, đây là số tiền mà cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hưởng từ quyết định của Quốc hội.
Đề cập đến việc này, ông Thân đánh giá cao sự tiếp thu ý kiến các ĐBQH của các cơ quan tham mưu trực tiếp, đó là Ủy ban Tài chính -ngân sách và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
“Tôi rất chia sẻ với trách nhiệm của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bởi khi mở rộng chính sách trợ giúp này thì áp lực của việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020 sẽ nặng nề hơn. Nhưng như bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ trước kỳ họp là việc giảm thuế này là cần thiết để nuôi dưỡng nguồn thu” – ông nói.
Các quỹ tín dụng phải “mở” hơn nữa
Cũng đánh giá cao việc tiếp thu của các cơ quan tham mưu cho Quốc hội ban hành nghị quyết giảm thuế TNDN giúp các doanh nghiệp khó khăn có tích lũy, gia tăng năng lực tài chính trong thời điểm khó khăn này, nhưng ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh cho rằng “doanh nghiệp cần được trợ giúp thêm nữa”.
Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, các chính sách tín dụng thời gian qua tuy đã được triển khai nhưng đi vào cuộc sống còn chậm và chưa thực sự mang tính đột phá. “Doanh nghiệp vay tiền từ các ngân hàng không dễ do các điều kiện đảm bảo cho vay là rất chặt chẽ. Chỉ các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện khắt khe của hệ thống ngân hàng thì mới có thể tiếp cận vốn. Trong điều kiện khó khăn đặc biệt này, để vay được tiền không phải dễ dàng” – ông Sinh nói.
Trong bối cảnh này, đại biểu Sinh đề nghị cần kích hoạt mạnh mẽ sự hoạt động của các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vì vậy, vị ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đồng thời nghị quyết giảm thuế của Quốc hội, cần tìm cách tháo gỡ những khó khăn để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn.
Nguồn: tuoitre.vn