Phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) và các đồng phạm sáng nay bước sang phần luận tội của đại diện VKS.

Đại diện VKS đề nghị xử phạt:

Nguyễn Văn Hiến (cựu Đô đốc, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng): 3-4 năm tù. Cấm đảm nhiệm chức vụ 3-5 năm.

Bùi Như Thiềm (Đại tá, cựu Trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải quân – QCHQ): 7-9 năm tù.

Bùi Văn Nga (Đại tá, cựu Giám đốc công ty TNHH MTV Dịch vụ và du lịch biển đảo Hải Thành, QCHQ): 6-8 năm tù.

Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng Tài chính QCHQ): 5-7 năm tù.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị 3-4 năm tù
Đại diện VKS

Trần Trọng Tuấn (cựu Phó giám đốc công ty Hải Thành): 3-4 năm tù.

Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu Phó TGĐ Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, cựu Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn): 20 năm tù. Tổng hợp hình phạt của bản án trước, đề nghị phạt Hệ 30 năm tù. Đề nghị phạt tiền 80-100 triệu đồng.

Phạm Văn Diệt (cựu Giám đốc công ty Đức Bình, TGĐ điều hành công ty CP tập đoàn Đức Bình, Giám đốc điều hành công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh): 15 năm tù. Phạt tiền 50-70 triệu đồng.

Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc công ty Yên Khánh Hải Thành): 7-9 năm tù. Phạt tiền 20-30 triệu đồng.

‘Đinh Ngọc Hệ làm hư hỏng nhiều cán bộ quân đội’

Đại diện VKS cho rằng, tại thời điểm phạm tội, bị cáo Nguyễn Văn Hiến giữ chức vụ Tư lệnh QCHQ, phải chịu trách nhiệm trước Quân chủng, chịu trách nhiệm xây dựng QCHQ vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, bị cáo phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sai phạm.

Chủ trương làm kinh tế là đúng, trên cơ sở tuân thủ pháp luật, nhưng khi thực hiện chủ trương của Thường vụ QCHQ, bị cáo Hiến đã thiếu kiểm tra.

Bị cáo vì tin tưởng sự tham mưu của cấp dưới mà đồng ý ký phê duyệt nhiều văn bản; đã không kiểm tra việc góp vốn, việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng, dẫn đến bị đối tác mang đất quốc phòng đi thế chấp, chuyển quyền sử dụng đất cho bên thứ 3, làm QCHQ mất quyền sử dụng 3 lô đất, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 900 tỷ đồng.

Quá trình điều tra xác định, bị cáo cùng một thời điểm phải thực hiện nhiều chức trách, nhiệm vụ, vụ án xảy ra đúng thời điểm biển đảo phức tạp.

Bị cáo ký các văn bản phê duyệt đều do các cơ quan tham mưu đề xuất, đã thiếu kiểm tra hoặc kiểm tra nhưng không trực tiếp, dẫn đến hành vi không đúng pháp luật, làm thất thoát số tiền lớn của Nhà nước.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị 3-4 năm tù
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến

Quá trình giải quyết vụ án xác định, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội mà không có động cơ, mục đích vụ lợi. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả ngiêm trọng.

Đối với các bị cáo phạm tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai gồm Thiềm, Nga, Thảo, Tuấn, đại diện VKS cho rằng: Những bị cáo này là sỹ quan cao cấp trong quân đội, được đào đào tạo cơ bản, có đầy đủ năng lực điều khiển hành vi.

Việc QCHQ báo cáo Bộ Quốc phòng chuyển đổi các lô đất quốc phòng làm kinh tế là chủ trương đúng, phù hợp với hoàn cảnh của quân đội và phù hợp với quy hoạch kiến trúc của TP.HCM.

Việc triển khai đã được Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo phải thực hiện đúng pháp luật.

Các bị cáo biết điều đó, nhưng đã có những hành vi vi phạm bằng việc ký kết các hợp đồng liên doanh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đúng các trình tự pháp lý, dẫn đến đất đai của Nhà nước bị xâm hại, dẫn đến việc các bị cáo vốn là cán bộ tốt, hôm nay phải đứng trước tòa với tư cách là bị cáo.

Theo quan điểm của đại diện VKS: Bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, bị cáo Đinh Ngọc Hệ có thái độ chối tội, không thừa nhận hành vi, cho rằng các bị cáo Diệt, Hoan khai không đúng về mình.

Nhưng kết quả điều tra được kiểm chứng tại tòa cho thấy, đủ cơ sở khẳng định, Hệ thành lập nhiều công ty, đứng sau hoạt động của các công ty này.

Các công ty trên đều do người thân của Hệ đứng tên, thực tế hoạt động dưới sự chỉ đạo, điều hành của Hệ. Quá trình hoạt động, Hệ chỉ đạo các công ty thực hiện nhiều hành vi phạm tội, được CQĐT điều tra trong các vụ án khác.

Hành vi đặc trưng của chuỗi hành vi vi phạm pháp luật khi điều hành các công ty này là không góp vốn, có góp vốn nhưng không đủ; thôn tính đất quốc phòng để chiếm đoạt trái phép, dùng ảnh hưởng, mối quan hệ của mình để giành giật các dự án lớn.

Với thủ đoạn tinh vi, để thôn tính lô đất 7-9 ở TP.HCM của QCHQ, Hệ là người chỉ đạo bị cáo Hoan thực hiện các hành vi gian dối để ký hợp đồng với công ty Hải Thành, chuyển đổi quyền sử dụng đất sang cho công ty Yên Khánh Hải Thành để mang đi thế chấp tại NH Vietbank, BIDV, nhằm đảm bảo cho các công ty khác của Hệ vay tiền, phục vụ lợi ích riêng của Hệ, không phục vụ dự án như đã cam kết.

Hành vi của Hệ trải qua nhiều năm, có sự tính toán rõ ràng, núp mình chỉ đạo các hành vi phạm tội. Khi bị phát hiện, Hệ sẵn sàng quy chụp cho người khác, kể cả người thân, nhằm che giấu hành vi, trốn tránh pháp luật.

Tuy nhiên, từ lời khai của những người khác, từ các chứng cứ, đủ cơ sở xác định trách nhiệm của bị cáo Đinh Ngọc Hệ là người đứng đầu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; gây lũng đoạn chính sách nhà nước, làm hư hỏng nhiều cán bộ quân đội, đưa nhiều người khác vào vòng lao lý, trong đó có cả người thân của Hệ.

Theo đại diện VKS, bị cáo Diệt là đồng phạm với Đinh Ngọc Hệ, là người thực hành tích cực.

Bị cáo Hoan là người thực hành hành vi phạm tội theo chỉ đạo của Hệ. Hành vi của Hoan đồng phạm với cậu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với vai trò là người thừa hành.

Đủ căn cứ xác định, các bị cáo Hệ, Diệt, Hoan thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp, phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài những quan điểm trên, đại diện VKS cũng chỉ ra những tình tiết giảm nhẹ tội cho các bị cáo.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bộ Quốc Phòngnguyễn văn hiểnphiên tòaÚt “Trọc”VKSxét xử

Các tin liên quan đến bài viết