Tham vọng hải quân của Trung Quốc đang đẩy khu vực Đông Bắc Á vào một cuộc chạy đua tàu sân bay.

Cuộc đua tàu sân bay ở Đông Bắc Á - Ảnh 1.

Tàu khu trục chở trực thăng Izumo của Nhật Bản 

Sau khi Nhật công khai mong muốn nâng cấp “tàu khu trục chở trực thăng” lớp Izumo thành tàu sân bay cỡ nhỏ, Hàn Quốc có thể là quốc gia kế tiếp.

Đầu tuần này, Chính phủ Nhật đã thông qua bản định hướng quốc phòng mới, trong đó có việc nâng cấp hai tàu lớp Izumo để có thể mang theo tiêm kích tàng hình F-35.

Tokyo cũng quyết định dành ngân sách mua thêm 42 máy bay F-35B – phiên bản hải quân của tiêm kích F-35 do Mỹ sản xuất, nâng tổng số F-35 mà Nhật sở hữu lên tới 105 chiếc, bao gồm 63 chiếc F-35A.

Theo một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản, mỗi tàu khu trục chở trực thăng Izumo sau khi được nâng cấp có thể mang theo tối đa tám chiếc F-35B. Điều này làm dấy lên suy đoán trong tương lai sẽ có thêm ít nhất ba tàu tương tự được chế tạo.

Tương quan lực lượng tàu sân bay ở Đông Bắc Á

Việc bị bó buộc bởi hiến pháp hòa bình khiến người Nhật phải chọn cách đi đường vòng, gọi Izumo là “tàu khu trục chở trực thăng”. Với chiều dài 248m và lượng choán nước đầy tải 27.000 tấn như hiện tại, theo báo Asahi, sau khi được nâng cấp, các tàu Izumo sẽ có tên mới là “tàu khu trục hoạt động đa nhiệm”.

Giới phân tích quân sự cho rằng việc Mỹ thử nghiệm và vận hành thành công F-35B trên các tàu lớp Wasp đã tạo ra nguồn cảm hứng lớn cho giới lãnh đạo quốc phòng Nhật. Hồi tháng 9-2018, chiếc F-35B xuất kích từ USS Essex (LHD-2) đã tiến hành không kích các mục tiêu trên đất Afghanistan và trở về an toàn.

Tàu Izumo đầu tiên (DDH-183) được Lực lượng phòng vệ biển Nhật tiếp nhận vào năm 2015, ba năm sau khi tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) vào biên chế hải quân Trung Quốc. Tàu Kaga (DDH-184) chỉ vừa được biên chế hồi tháng 3-2017.

Tàu Liêu Ninh, vốn là tàu Varyag chưa hoàn thiện được mua từ Ukraine năm 1998, hiện đang giữ vai trò như tàu sân bay huấn luyện trong hải quân Trung Quốc.

Type 001A, tàu sân bay đầu tiên được Trung Quốc tự đóng trong nước, là bản sao hoàn hảo của Liêu Ninh với thiết kế mặt boong kiểu nhảy cầu và không có máy phóng máy bay. Hiện tàu này đang trong giai đoạn thử nghiệm và sẽ được đưa vào biên chế trước tháng 10-2019.

Bắc Kinh cũng xác nhận đang gấp rút chế tạo tàu sân bay thứ ba. Nhiều nguồn tin khác nhau tiết lộ tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc sẽ có thiết kế giống các tàu sân bay Mỹ, tức được trang bị máy phóng trên boong và thậm chí chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trong khi các nước láng giềng liên tục nâng cấp năng lực hải quân, Hàn Quốc vẫn chưa có động thái gì mới với tàu đổ bộ trực thăng lớp Dokdo. Con tàu dài 199m, lượng choán nước 19.000 tấn này được đặt tên theo quần đảo Dokdo mà Hàn Quốc đang tranh chấp với Nhật và được Tokyo gọi là Takeshima.

Thông số này tương đương hai tàu khu trục chở trực thăng lớp Hyga của Nhật Bản. Seoul hiện chỉ mới có hợp đồng mua 40 chiếc F-35A của Mỹ và tiêm kích này không có khả năng hoạt động trên tàu sân bay.

Cuộc đua tàu sân bay ở Đông Bắc Á - Ảnh 2.

Tàu sân bay Type 001A của Trung Quốc khi mới hạ thủy 

Rút ngắn khoảng cách

Về lý thuyết, trong trường hợp cần thiết, tàu Dokdo của Hàn Quốc có thể tiếp nhận các tiêm kích cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (SVTOL) như F-35B. Tuy nhiên, với việc không sở hữu mặt boong kiểu nhảy cầu, các máy bay F-35B muốn xuất kích từ tàu Dokdo sẽ phải bỏ bớt vũ khí để giảm tải trọng trong khi vẫn đốt nhiều nhiên liệu để tạo lực đẩy.

Dù phương án nâng cấp tàu Izumo chưa được công bố, vài suy đoán cho rằng diện mạo mới của các tàu Izumo sẽ khá giống tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra của hải quân Úc với phần boong được thiết kế với đường cất cánh kiểu nhảy cầu nghiêng 13 độ. Thiết kế này cho phép F-35B có thể hoạt động trong tình trạng mang theo tối đa vũ khí.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trong cuộc họp báo hôm 18-12 khẳng định “kế hoạch nâng cấp các tàu Izumo vẫn nằm trong chiến lược thiên về phòng vệ của Tokyo. Các tiêm kích F-35B sẽ chỉ được mang theo trong trường hợp cần thiết”.

Dù được nâng cấp, tám chiếc F-35B mà mỗi tàu Izumo có thể mang theo cũng chỉ bằng 1/3 số tiêm kích J-15 mà tàu Liêu Ninh và Type 001A đem theo. Nhưng đó là chưa tính đến yếu tố chất lượng giữa J-15 vốn được sao chép từ Su-33 của Nga và F-35B, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm do Mỹ sản xuất.

Thay vì ngồi yên nhìn Trung Quốc phát triển, động thái mới của Nhật có thể rút ngắn về năng lực tàu sân bay giữa hai người khổng lồ ở Đông Bắc Á.

Các chuyên gia quân sự xếp tàu sân bay Liêu Ninh và Type 001A vào loại tàu sân bay có đường băng cất cánh ngắn và hạ cánh bằng cáp hãm đà (STOBAR), trong khi của Mỹ là CATOBAR – tức cất cánh nhờ máy phóng và hạ cánh nhờ cáp hãm đà. Việc có máy phóng cho phép máy bay tiết kiệm nhiên liệu và mang nhiều loại vũ khí tác chiến hơn.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cuộc đuađông nam áF-35tàu sân baytrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết