Thông tin 23,1% doanh nghiệp ở Đồng Nai có bữa ăn giữa ca dưới chuẩn – dưới 15.000 đồng/suất – đã đặt ra vấn đề cần có giải pháp để người lao động có được những bữa ăn giữa ca đạt chất lượng.
Nhân viên nhà ăn chuẩn bị suất ăn trưa cho công nhân tại một công ty tại Đồng Nai |
Đứng từ góc độ người lao động, chất lượng bữa ăn giữa ca hết sức quan trọng. Trong suốt 8 giờ lên ca, người lao động chủ yếu dựa vào bữa ăn này để tái tạo, duy trì sức khỏe.Thậm chí, với những người lao động nhập cư, bữa ăn này cung cấp nguồn năng lượng chủ yếu trong ngày, khi mà điều kiện về thời gian và kinh tế khiến những bữa ăn còn lại tại nơi ở trọ được dùng qua loa, giản tiện nhất.Thế nhưng, chất lượng bữa ăn giữa ca lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm của người sử dụng lao động và lương tâm của người đứng ra tổ chức bếp ăn tập thể. Sở dĩ có tình trạng này do pháp luật hiện hành không quy định về bữa ăn giữa ca mà do các bên trong quan hệ lao động tự thỏa thuận.Để phục vụ nhu cầu sản xuất, hầu hết doanh nghiệp sẽ cung cấp bữa ăn giữa ca cho người lao động và pháp luật về thuế cho phép tính khoản này vào chi phí hợp lý.Nhiều doanh nghiệp đã lo rất tốt bữa ăn giữa ca cho người lao động nhưng có không ít doanh nghiệp để cắt giảm chi phí nhằm có giá thành cạnh tranh, đã chi cho bữa ăn giữa ca của nhiều người lao động chưa bằng với giá một suất cơm bình dân bán tại các hàng quán xung quanh nơi doanh nghiệp hoạt động.Đó là chưa kể đến yếu tố lợi nhuận cho nhà thầu cung cấp suất ăn, mức hoa hồng cho người quản lý. Trong thực tế, để có lợi nhuận cao, nhà thầu nấu ăn có thể sử dụng thực phẩm trôi nổi, hết hạn sử dụng, nguyên liệu giập nát, ôi thiu… mà nếu có bị người lao động phát hiện hoặc phản ứng thì phần chi hoa hồng cho người quản lý đã giúp dẹp êm những phản ảnh này nhằm duy trì được hợp đồng.Chất lượng bữa ăn kém có thể gây ra hậu quả tức thì khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhưng ngay cả khi điều đó không (chưa) xảy ra, người lao động cũng bị ảnh hưởng đến thể lực khi bữa ăn không cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp ít quan tâm đến điều này vì họ luôn có những cách thức để thay mới nguồn lao động.Lao động mới tuyển dụng bao giờ cũng trẻ, khỏe và có khả năng tiếp thu nhanh, đem lại hiệu quả cao trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, gia công… Quan trọng hơn nữa là lao động tuyển mới sẽ có mức lương thấp hơn những lao động lâu năm.Vậy nên không thể trông chờ vào “lòng tốt” hay “lương tâm” trong việc cung cấp bữa ăn giữa ca cho người lao động mà phải hình thành các quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh. Trong khi những điều luật này chưa được ban hành, hi vọng hệ thống công đoàn có thể thực hiện được nghị quyết 7C ngày 25-2-2016 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động.Trong đó có nội dung: “Trong quá trình thương lượng tập thể mà doanh nghiệp vẫn không thỏa thuận được với mức đề xuất của công đoàn cơ sở thì công đoàn cơ sở báo cáo và xin ý kiến công đoàn cấp trên trực tiếp tổ chức đình công (theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật) để yêu cầu cho được mức bữa ăn giữa ca theo đề xuất”.Và cũng rất mong công đoàn cơ sở thực hiện được vai trò của mình trong giám sát chất lượng bữa ăn.
Ông Đoàn Văn Đây (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai):Ảnh hưởng sức khỏe người lao độngNghị quyết của Tổng liên đoàn Lao động VN quy định mức ăn bữa ăn giữa ca cho công nhân thấp nhất là 15.000 đồng/suất. Tuy nhiên hiện nay có một số doanh nghiệp tổ chức bữa ăn giữa ca cho công nhân dưới 15.000 đồng.Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, kéo theo đó là năng suất lao động giảm cũng như những nguy cơ tai nạn lao động tiềm ẩn trong quá trình sản xuất.Hiện Liên đoàn Lao động Đồng Nai đang đề xuất các công đoàn cơ sở thảo luận trước. Sắp tới, tại hội nghị người lao động đầu năm 2017, liên đoàn sẽ đưa vào đối thoại trực tiếp để đàm phán, thương lượng nhằm nâng chất lượng bữa ăn cho người lao động lên, ít nhất là đạt chuẩn.Trường hợp các doanh nghiệp không đồng thuận, liên đoàn sẽ cho đối thoại trực tiếp với người lao động, lấy ý kiến người lao động phản hồi với doanh nghiệp, gây áp lực buộc doanh nghiệp thực hiện. |
Chị Đ.T.T. (công nhân một công ty ngành giày da có hơn 1.000 công nhân đóng trên địa bàn huyện Trảng Bom, Đồng Nai):Ăn cho qua bữaBữa ăn giữa ca trong công ty tôi không ngon, không đủ chất nhưng công nhân phải chấp nhận ăn cho qua bữa. Công ty không cho công nhân mang cơm vào nên người lao động chỉ còn cách ăn bữa cơm giữa ca do công ty tự nấu. Khẩu phần mỗi suất ăn gồm một món mặn (thịt, cá, gà, heo luân phiên), một món rau và một món canh.Cơm thì đủ ăn nhưng đồ ăn rất ít, các món được chế biến hầu như cùng một cách giống nhau và lặp đi lặp lại khiến rất ngán. Có một số người không ăn nổi đã bỏ bữa ăn giữa ca dù biết không ăn sẽ mệt, có người còn bị xỉu trong giờ làm việc vì chuyện bỏ bữa này.Một số người đã có ý kiến nhưng sau đó không thấy thay đổi, còn công đoàn cơ sở thì chẳng thấy lên tiếng. Công nhân chúng tôi không đòi hỏi bữa ăn giữa ca phải sang trọng, ngon lành, chỉ mong bữa cơm đủ chất, dễ ăn là được để còn có sức mà làm việc, phấn đấu đạt năng suất cao hơn, vì sao không thể thực hiện được? |
Nguồn: TTO