Sau gần 20 năm tái lập tỉnh, công nghiệp Bình Phước phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định vị thế. Thành tựu giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ có được bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các thời kỳ; sự hợp tác, giúp đỡ tích cực, có hiệu quả của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh là ý chí nỗ lực, vượt khó vươn lên và đặc biệt là sự đổi mới của ngành. Từ đó tạo bước đột phá mới trong quản lý, điều hành thời kỳ phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Công nghiệp Bình Phước đã và đang tạo ra sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều sản phẩm chủ lực như: hạt điều nhân, tinh bột mì, may mặc, giày da, đồ gỗ xuất khẩu, trang trí nội thất, linh kiện điện tử, xi măng, clinker… đã có mặt ở nhiều nước trong khu vực và thế giới. Ngoài sản phẩm truyền thống đã có thêm sản phẩm công nghệ cao. Nhờ chuyển dịch theo hướng công nghiệp chế biến đã mang lại cho tỉnh nhiều nguồn mới.

CHIẾN LƯỢC ĐÚNG HƯỚNG

Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Công nghiệp tỉnh hiện có 1.891 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 497,3 tỷ đồng, tăng 385 cơ sở sản xuất so với năm 1997, thu hút 9.576 lao động. Xác định muốn phát triển bền vững thì ngành công nghiệp tỉnh phải gắn với đặc thù, lợi thế của ngành. Vì thế gần 20 năm qua, công nghiệp tỉnh chú trọng lấy công nghiệp nông thôn làm tiền đề để công nghiệp hóa. Tỉnh vận dụng các chính sách ưu đãi của Trung ương vào thực tiễn để khuyến khích nhiều thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Song song đó là đổi mới công nghệ gắn liền với đầu tư khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để không chỉ tăng chất lượng sản phẩm, giải phóng sức lao động mà còn góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường”.

Nhà máy chế biến của Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, khu công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc, huyện Chơn Thành – Ảnh: Hồng Cúc

Giai đoạn 2001-2005, lãnh đạo tỉnh định hướng một trong những bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế là phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Từ đó có vai trò tác động trở lại hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Với các chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư, huy động nội lực các thành phần kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa, công nghiệp của tỉnh đã bước đầu khởi sắc và tăng trưởng tốc độ khá cả về quy mô lẫn giá trị sản xuất. Năm 2001, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 521,1 tỷ đồng thì đến năm 2005 tăng lên 1.659,4 tỷ đồng, tăng bình quân 27,25%/năm. Toàn ngành có 2.267 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp hoạt động, thu hút 20.168 lao động; thu hút mới 745 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 1.529,2 tỷ đồng. Ngoài ra có 9 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư 23,12 triệu USD. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp thế mạnh trong tỉnh đều tăng nhanh về khối lượng như: đá xây dựng các loại (32,2%), hạt điều nhân (38,1%), bột giấy (10,45%), may mặc (21,2%), ngói nung (8,45%)… Đặc biệt là các sản phẩm nông – lâm sản đạt tốc độ tăng cao, tạo ra khối lượng sản xuất hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Hoàng cho biết thêm: Chỉ sau tái lập tỉnh vài năm, cụ thể là sau năm 2005, tỉnh đã hình thành những hàng công nghiệp mũi nhọn như: cao su, hạt điều nhân, tinh bột mì… Những sản phẩm này từng bước chiếm ưu thế trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Cơ cấu sản xuất hàng hóa có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu, hàng tiêu dùng và hàng chất lượng cao. Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp từng bước được khẳng định, nhất là doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng ngày càng có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại.

Theo đó, xuất – nhập khẩu hàng hóa từng bước hình thành. Năm 1997, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 33,31 triệu USD, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 1,96 triệu USD, đến năm 2000, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 47 triệu USD, tăng 41,1%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 6,2 triệu USD, tăng 2,07 lần. Tình hình xuất khẩu tăng mạnh về giá trị và tốc độ tăng, thị trường hàng hóa, quan hệ kinh tế đối ngoại được mở rộng. Tính đến năm 2010, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có quan hệ xuất – nhập khẩu với nhiều bạn hàng của 17 quốc gia trên thế giới và khu vực. Đến cuối năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 27,79%, đạt 1.113 triệu USD, cao hơn mục tiêu nghị quyết đề ra 14,58%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 280 triệu USD, tăng bình quân năm 19,46%.

KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Sau gần 20 năm tỉnh tái lập, phát triển hệ thống lưới điện là kết quả nổi bật mà ngành công thương đã nỗ lực đạt được. Năm 1997, tỉnh chỉ có 380km đường dây trung thế thì đến năm 2015 đạt 3.138km, tăng hơn 8 lần; 143km đường dây hạ thế khi mới tách ra từ tỉnh Sông Bé đến năm 2015 đạt 3.344km, tăng hơn 23 lần; dung lượng 45.193kVA năm 1997 đến năm 2015 đạt 682.519kVA, tăng hơn 15 lần. Tỷ lệ hộ sử dụng điện năm 1997 là 18,3% thì đến năm 2015 đạt 98%, tăng 55,35 lần; 111/111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có lưới điện quốc gia, đạt 100%. “Để đạt được kết quả này là có sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các ngành chức năng cùng những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh” – ông Nguyễn Anh Hoàng chia sẻ.

Niềm vui với ngành công nghiệp còn thể hiện chiều hướng phát triển công nghiệp tốt hơn qua các năm. Giai đoạn 2005-2010, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 21%. Năm 2008, mặc dù lạm phát tăng cao nhưng sản xuất công nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 21,3%; năm 2009 do suy thoái kinh tế nên chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 12,6% và năm 2010 ngành công nghiệp phát triển trở lại với tốc độ tăng trưởng cao hơn 26,7%.

Công nhân Công ty cổ phần sản xuất – dịch vụ và thương mại Phúc Thịnh chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Đồng Xoài I, xã Tiến Thành

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Anh Hoàng đánh giá: “Các sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú. Nhiều sản phẩm công nghiệp mới như: may mặc, da giày, xi măng, sản phẩm gối, nệm từ cao su thiên nhiên, mặt hàng gia dụng từ gỗ cao su tăng với giá trị đầu tư lớn, sản phẩm chất lượng cao tập trung ở nhiều lĩnh vực. Từ đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 16%/năm. Cụ thể, năm 2011 tăng 26,71%; 2012 tăng 29,19%; 2013 tăng 9%; 2014 tăng 6,68% và 2015 tăng 10,09%”.

Song song đó, ngành thương mại – dịch vụ ngày một phát triển đa dạng và có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 1997 có 100 doanh nghiệp và 6.034 cơ sở thương mại – dịch vụ thì đến cuối năm 2005 toàn tỉnh tăng lên 1.328 doanh nghiệp, 40.382 cơ sở thương mại – dịch vụ. Đây chính là nơi tiêu thụ phần lớn nông sản, hàng hóa cho nông dân, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về đầu mối thúc đẩy lưu thông hàng hóa cũng như đáp ứng tốt cho sản xuất và đời sống ở khu vực nông thôn. Qua đó giải quyết việc làm cho 63.028 lao động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 30.500 tỷ đồng, bình quân tăng 20,06%.

Những năm gần đây, hoạt động thương mại ngày càng đi vào chiều sâu. Các trung tâm thương mại, siêu thị trong tỉnh phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của tỉnh. Ngoài ra, ngành công thương tỉnh còn thường xuyên triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” và kế hoạch bình ổn thị trường. Công tác xúc tiến thương mại cũng được chú trọng. Kết quả, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tốc độ tăng trưởng bình quân từ khi tách tỉnh đến năm 2015 đạt 20,22%. Đây là kết quả tốt, đánh giá khả quan và ghi nhận sự nỗ lực của ngành công thương, tạo đà cho bước phát triển tiếp theo.

Ngọc Tú

Từ khóa : công nghiệpkhu công nghiệpkinh tếsản xuất gỗtăng trưởng

Các tin liên quan đến bài viết