Bản thân mỗi nước đều đang hướng đến phát triển chất lượng cao. Trong giai đoạn trước, điểm tăng trưởng của quan hệ Việt – Trung là thương mại, thầu khoán công trình. Hiện nay và sắp tới điểm tăng trưởng mới của quan hệ Việt – Trung sẽ là gì?
Trung Quốc trỗi dậy thành công
Ba thập kỷ trước là thời kỳ Trung Quốc phát triển và trỗi dậy. Thế giới còn hồ nghi nước này trỗi dậy thành công hay không, thậm chí có ý kiến còn đặt ra Trung Quốc có sụp đổ hay không.
Đặc điểm nổi bật của thời kỳ này là tập trung phát triển kinh tế trong nước, thực hiện song song chiến lược “thu hút vào” với “đi ra ngoài”, mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác, từng bước mở rộng ảnh hưởng. Do mục tiêu như trên và thực lực chưa đủ mạnh nên hành xử của Trung Quốc với bên ngoài có xu hướng ôn hòa, thuyết phục, chú trọng quảng bá hình ảnh một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình”.
Với quốc tế, Trung Quốc là người tham gia, người thích ứng và chấp nhận các quy tắc trong các tổ chức đã được xây dựng định hình từ trước. Nhưng từ nay về sau là thời kỳ Trung Quốc đã trỗi dậy thành công, đã mạnh lên cho dù bên trong vẫn còn nhiều thách thức.
Các xe container chở hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai).
Từ Đại hội 19, đặc biệt từ lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc đến nay, lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn mạnh họ đã mạnh lên, thực hiện phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa đã bước vào tiến trình lịch sử không thể đảo ngược, đã bước vào thời đại mới, thực hiện mục tiêu 100 năm thứ hai xây dựng cường quốc XHCN hiện đại hóa.
Trung Quốc không chỉ hướng đến mở rộng thị trường mà còn là tăng sự phụ thuộc của các nước, khẳng định vị thế và ảnh hưởng. Trung Quốc đang là người cải tạo song song với xây dựng luật chơi mới và tương lai có thể là áp đặt luật chơi.
Vấn đề đặt ra là Việt Nam thích ứng với một Trung Quốc đã mạnh lên như thế nào?
Cơ hội và thách thức với Việt Nam
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nhiều lần đến 3 cái “mới”. Đó là bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện quan điểm phát triển mới và xây dựng cục diện phát triển mới. Trong ba “cái mới” này, phát triển và mở cửa và thúc đẩy vai trò kết nối của khu vực miền Tây, trong đó có Quảng Tây và Vân Nam, khu vực tiếp giáp với Việt Nam được Trung Quốc đặc biệt coi trọng bởi nó liên quan đến bảo vệ thành quả của cuộc chiến thoát nghèo cũng như thực hiện mục tiêu “cùng giàu có” hiện nay.
Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu viễn cảnh năm 2035 nhấn mạnh đi sâu thúc đẩy đại khai phát miền Tây, thúc đẩy sự phồn vinh và ổn định của biên giới, hỗ trợ xây dựng các cảng biên giới, thúc đẩy phát triển đổi mới của thương mại biên giới.
Trong 9 thành phố biên giới trọng điểm được hỗ trợ nâng cấp chức năng nêu trong Quy hoạch có thành phố Đông Hưng; 14 cửa khẩu cải tạo nâng cấp có cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Quảng Tây được xác định là “cao điểm hợp tác mở cửa hướng ra ASEAN”, Vân Nam là “trung tâm khúc xạ hướng ra khu vực Nam Á, Đông Nam Á và vành đai Ấn Độ Dương”.
Quảng Tây, Vân Nam đã thực hiện xây dựng khu thương mại tự do (trong đó có phân khu Sùng Tả, phân khu Hồng Hà tiếp giáp với Việt Nam) theo phương án tổng thể thành lập 6 khu thí điểm thương mại tự do được Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành ngày 2/8/2019.
Việc Trung Quốc tập trung xây dựng các chuỗi công nghiệp, chuỗi dịch vụ xuyên biên giới, đi sâu thực hiện “5 xuyên biên giới” như thương mại xuyên biên giới, tài chính xuyên biên giới, hậu cần xuyên biên giới, du lịch xuyên biên giới và dịch vụ lao động xuyên biên giới sẽ mang đến cơ hội nhưng đồng thời cũng có thách thức đối với Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có sự chuẩn bị như thế nào để đón nhận những cơ hội, thách thức từ vòng cải cách mở cửa mới của Trung Quốc song song với giải quyết những vấn đề tồn tại hiện nay.
Bản thân mỗi nước đều đang hướng đến phát triển chất lượng cao, từ đó đặt ra yêu cầu mới đối với hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Trong giai đoạn trước, điểm tăng trưởng của quan hệ Việt – Trung là thương mại, thầu khoán công trình. Hiện nay, điểm tăng trưởng mới của quan hệ Việt – Trung sẽ là gì?
Trong những năm gần đây, ngoài tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư, phía Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến kết nối năng lực sản xuất, kết nối cơ sở hạ tầng, xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc năm 2022 tiếp tục nhấn mạnh đến những điểm này. Đó là:
“Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước, đẩy nhanh trao đổi, ký kết Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, triển khai hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng”. “Hai bên cho rằng thương mại điện tử là lĩnh vực quan trọng trong hợp tác kinh tế-thương mại song phương… tăng cường trao đổi chính sách và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thương mại điện tử qua biên giới, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp về logistic, nghiên cứu thúc đẩy hợp tác giữa các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch quốc gia hai nước về thanh toán điện tử, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để mở rộng các kênh thương mại, đầu tư mới thông qua thương mại điện tử”.
Như vậy, năng lượng tái tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số và kinh tế số, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có đường sắt cao tốc Bắc – Nam có thể là những lĩnh vực hợp tác trọng điểm được Trung Quốc tích cực thúc đẩy…
Việt Nam cần tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc song song với phát triển quan hệ với các nước lớn khác trong bối cảnh mới như thế nào? Thích ứng với một Trung Quốc đã mạnh lên, đón nhận những cơ hội, thách thức từ vòng cải cách mở cửa mới của Trung Quốc ra sao? Đồng thời, một vấn đề quan trọng cần có sự nỗ lực của cả hai nước đó là giải quyết vấn đề tồn tại song song với tìm kiếm động lực tăng trưởng, điểm tăng trưởng mới trong tương lai.
Nguồn: vietnamnet