Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Theo báo cáo của một số địa phương thuộc phạm vi dự án và Bộ GTVT, nguồn vật liệt xây dựng (VLXD) khai thác tại các mỏ còn thời hạn chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của dự án đường cao tốc Bắc – Nam.
Cao tốc Bắc – Nam là dự án trọng điểm quốc gia, nếu không đủ vật liệu cung cấp cho các dự án thành phần sẽ dẫn tới nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu. Do vậy cần “cơ chế đặc thù” để tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi cấp mới cũng như khi tăng công suất cho các mỏ VLXD đã cấp phép.
Theo đó, UBND tỉnh, TP có dự án cao tốc đi qua được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm VLXD đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công Dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Các tỉnh, TP có dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua được thực hiện cơ chế đặc thù cung cấp VLXD cho dự án |
Đối với khu vực khoáng sản mới chưa cấp phép (thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức PPP và BOT), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) thi công Dự án đường cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Nội dung giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho Dự án đường cao tốc.
Đối với các mỏ khoáng sản làm VLXD (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép), không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường…
Đối với trường hợp nâng công suất, UBND tỉnh, TP có dự án đi qua chỉ cho phép nâng công suất không quá 50% khi hoạt động khai thác, đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác.
Nội dung giấy phép khai thác phải xác định địa chỉ sử dụng khoáng sản là nhà đầu tư/nhà thầu của dự án thành phần đường cao tốc; nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm soát chặt chẽ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; thực hiện việc công bố đầy đủ giá vật liệu xây dựng trên địa bàn theo quy định, không để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước.
UBND tỉnh, TP có dự án đi qua cần đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian khi thực hiện thủ tục cấp phép khai thác VLXD cung cấp cho Dự án đường cao tốc thuộc địa bàn.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân không làm tròn trách nhiệm hoặc bao che cho hành vi đầu cơ, nâng giá vật liệu để trục lợi.
Thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD đã cấp đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.
Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân bán VLXD cho tổ chức, cá nhân khác hoặc không cung cấp VLXD cho nhà đầu tư/nhà thầu đã ghi trong giấy phép, đồng thời thu hồi giấy phép đã cấp để cấp cho nhà đầu tư/nhà thầu theo quy định.
Bộ TN&MT hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trước ngày 31/7 tới chủ trì, phối hợp với các Bộ GTVT, Xây dựng, Công an, Công Thương, Tài chính, NN&PTNT, LĐTB&XH thành lập 5 Đoàn kiểm tra công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD cung cấp cho các Dự án đường cao tốc.
Nguồn: vietnamnet