Gặp khó khăn khi phải sống xa nhà, nhiều bạn sinh viên đã trải qua áp lực khi sống và làm việc trong một môi trường mới.
Sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Bạn Võ Duy Lăng – sinh viên năm nhất chuyên ngành quốc tế học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM – đang trải qua những áp lực mới trong môi trường học tập hoàn toàn xa lạ. Bước ra từ môi trường học tập phổ thông, bạn sợ bị ‘thụt lùi’ sau những ngày đã rất quen với cách học ở trường cấp ba.
Lăng dành thời gian dạo các trang mạng xã hội, những bài viết với tiêu đề như “Những sai lầm mà bản thân mình ước được biết trước khi học đại học” để tìm kiếm những lời khuyên.
“Nhưng mình lo rằng liệu như thế đã đủ chưa, khi mình và các tân sinh viên khác chưa bao giờ cọ xát và trải nghiệm thực tế?”, Lăng băn khoăn.
Trong khi đó, Võ Anh Kiệt – tân sinh viên ngành báo chí, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) – đang lo ngại về việc bắt đầu “làm tân sinh viên” một lần nữa. Trước đó, Kiệt từng có 3 năm là sinh viên khoa cơ khí của Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Anh Kiệt thấy mình đã trễ so với bạn bè vì hiện bạn bè mình đã bắt đầu thực tập và đi làm. Nhưng Kiệt vẫn quyết định từ bỏ ngành cũ vì mình chọn ngành chưa suy nghĩ kỹ và hơi gấp nên đã chọn phải ngành không hợp.
“Giờ mình mới học năm nhất. Mình hơi áp lực khi đã trễ so với những bạn trẻ hơn 3 năm, cho nên mình luôn ép bản thân là sẽ không để một ngày trôi qua vô nghĩa”, Kiệt nói.
Còn bạn Đoàn Ngọc Ánh – tân sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường đại học Nông Lâm TP.HCM – lại gặp nhiều áp lực trong việc chi tiêu và sinh hoạt: “Mình là con nhà nông dân, không có nhiều tiền để thuê trọ, mà giờ đi phòng nào cũng hơn 2 triệu đồng.
Mình còn là con đầu nên trách nhiệm học hành và công việc của mình rất lớn, cứ nghĩ đến bố mẹ dầm mưa đi làm nuôi mình học mà mình xót hết cả ruột. Mình học công nghệ thông tin mà chưa dành dụm đủ tiền mua laptop nữa”…
Làm sao để vượt qua áp lực?
Nhiều bạn tân sinh viên đang gặp những áp lực đầu năm
Thạc sĩ Đinh Văn Mãi – giảng viên bộ phận kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên Trường đại học Văn Lang – chia sẻ bước vào môi trường mới, rời xa những thứ đã quen thuộc, sinh viên – nhất là tân sinh viên – đối diện với những vấn đề áp lực là chuyện dễ hiểu. Ngoài ra, sinh viên thời đại 4.0 dường như đang đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Thạc sĩ Đinh Văn Mãi gửi lời khuyên sinh viên cần xác định rõ mục tiêu học tập và tìm hiểu kỹ ngành học, hỏi thăm anh chị khóa trên hoặc thầy cô cố vấn học tập để hiểu rõ về ngành học, công việc sau khi ra trường.
Tham gia các hoạt động tình nguyện, cộng đồng, hoạt động ở các câu lạc bộ, đội nhóm trong nhà trường cũng là cách để xây dựng mối quan hệ mới và giúp cho sinh viên thoải mái hơn sau những giờ học căng thẳng.
“Nếu những áp lực kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi thì sinh viên nên tìm đến trung tâm, phòng tham vấn ở trường. Các chuyên gia sẽ trò chuyện, hỗ trợ sinh viên nhận diện đúng vấn đề và cùng sinh viên lên kế hoạch giải quyết cụ thể”, thạc sĩ Đinh Văn Mãi nói.
Tương tự, ThS Quang Thị Mộng Chi – giảng viên khoa tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM – cho rằng các bạn cũng cần tạo dựng các mối quan hệ mới, song song việc liên hệ thường xuyên với gia đình và bạn bè để được hỗ trợ về tinh thần.
Bà Chi nhấn mạnh thêm sinh viên cần rèn luyện một số kỹ năng mềm như việc nhận thức bản thân, đặt mục tiêu, lên kế hoạch học tập để có thể sắp xếp thời gian hiệu quả cho việc học tập, rèn luyện và đi làm thêm.
Nếu còn băn khoăn về ngành học, ThS Chi khuyên các bạn có thể trao đổi với thầy cô, anh chị khóa trước, hoặc những người trong nghề từ các chương trình giao lưu, các nhóm kiến thức hay cộng đồng trong ngành…
Nguồn: tuoitre.vn