Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết ngày 3-6 tới, chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật Bản.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngày 28-5 bộ đã có văn bản gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam – trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 – về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt: không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn – để trái vải của Việt Nam được phép xuất khẩu như yêu cầu của phía Nhật Bản.
Bộ sẽ phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Hải Dương để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trong thời gian chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản làm việc tại hai tỉnh này.
Theo quy định của Bộ Nông – lâm – ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu và chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép đưa đi xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện đang là cơ quan giải quyết hàng rào kỹ thuật để mở cửa cho trái vải thiều tươi của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.
Ông La Văn Nam – chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) – khẳng định quả vải thiều Lục Ngạn sẽ được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản ngay trong mùa vụ năm nay.
Theo ông Nam, từ cuối tháng 12-2019, ngay sau thông tin Nhật Bản đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu vải tươi vào thị trường này thì phía huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) tích cực chuẩn bị vùng nguyên liệu.
Đến nay Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 18 mã số vùng trồng cho khoảng 98ha vải thiều tại Lục Ngạn đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Nhưng sau đó, dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên vào Nhật Bản.
Trước đó, các chuyên gia Nhật Bản đã có mặt tại Lục Ngạn để kiểm tra và hài lòng với vùng trồng vải thiều được cấp mã số đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, chuyên gia Nhật Bản vẫn phải trực tiếp giám sát quy trình thu hoạch, bảo quản và đóng gói vải tươi xuất khẩu vào thị trường nước này.
Ông Nam cho biết các chuyên gia Nhật Bản khi nhập cảnh Việt Nam để đến các vùng trồng vải thiều phải thực hiện kiểm tra y tế và cách ly phòng dịch COVID-19. Sau đó, các chuyên gia Nhật Bản sẽ tham gia giám sát xuất khẩu vải thiều chính vụ dự kiến cho thu hoạch từ giữa tháng 6 cho đến hết tháng 7.
“UBND huyện Lục Ngạn phối hợp với một doanh nghiệp chạy thử dây chuyền công nghệ đóng gói, bảo quản vải thiều xuất khẩu cho các chuyên gia Nhật Bản giám sát đánh giá lại lần cuối cùng trước khi thực hiện xuất khẩu lô hàng đầu tiên” – ông Nam nói.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết theo yêu cầu của MAFF, vải thiều được xuất khẩu vào Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m³ trong thời gian 2 giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.
Nguồn: tuoitre.vn