Nhiều người hiện nay vẫn hiểu rằng, chứng thực sơ yếu lý lịch là cơ quan chứng thực xác nhận tính đúng, tính hợp pháp của sơ yếu lý lịch nên phải đến UBND cấp xã nơi cư trú để thực hiện chứng thực. Và thật đáng buồn là cho đến nay, không chỉ có người dân mà ngay cả cán bộ cấp xã vẫn còn không ít người hiểu lầm về vấn đề này.
Cụ thể là thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xôn xao về việc ngày 7-8-2017, anh Nguyễn Danh Cường ở xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã đăng lên mạng xã hội bức ảnh chụp mặt sau của bản sơ yếu lý lịch kèm bút phê và con dấu của UBND xã. Nhìn vào bức ảnh, ở phần xác nhận của địa phương thì ai cũng thấy rõ là ông Trương Phúc Thực, Phó chủ tịch UBND xã An Bình ghi lời xác nhận như sau: Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương. Đồng thời, anh Cường cho biết thêm: Người em năm nay mới học xong đại học, xuống xã làm hồ sơ xin việc thì các bác ở xã phê như vậy. Nguyên nhân là xã em chủ trương làm đường nhưng vì mỗi khẩu mức đóng 2 triệu, bố mẹ em không đủ khả năng đóng. Đứa em mới học xong chưa có việc làm, chưa có kinh tế mà các bác ấy làm như thế này có đúng không?
Trước đó, ngày 2-8-2017, em Đỗ Văn Hà ở xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã bị Chủ tịch UBND xã Yên Thịnh là Thiều Quang Huệ phê lý lịch như sau: UBND xã Yên Thịnh xác nhận anh Đỗ Văn Hà có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Bản thân và gia đình chưa thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương.
Như vậy, việc thực hiện thủ tục hành chính như trên là “hành dân” chứ không phải là hành chính. Song, đó là chuyện ở ngoài tỉnh, còn ở Bình Phước cho đến bây giờ chưa thấy có ai lên tiếng, nhưng chắc chắn không ai có thể khẳng định rằng việc tương tự chưa bao giờ xảy ra. Có 2 nguyên nhân dẫn đến việc làm sai trái như đã nêu của chính quyền cơ sở: Thứ nhất là cán bộ xã không nắm rõ quy định của pháp luật về quy trình, thẩm quyền thực hiện các thủ tục hành chính, mà ở đây cụ thể là thủ tục chứng thực. Thứ hai là cán bộ xã biết nhưng cố tình làm sai, cố tình “hành dân”, vì “không ưa”? Bởi đã là phó hoặc chủ tịch UBND xã thì thủ tục đơn giản này mà không nắm được thì quả là khó tin.
Trở lại vấn đề pháp lý của sự việc nêu trên và theo quy định của pháp luật hiện hành, việc chứng thực sơ yếu lý lịch là chứng thực chữ ký của người khai lý lịch. Chữ ký xác nhận của chủ tịch hay phó chủ tịch UBND xã chỉ có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký trong đó, đồng thời đây cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung mà họ đã viết trong giấy tờ, văn bản. Do vậy, việc chứng thực sơ yếu lý lịch được thực hiện tại UBND cấp xã, không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
Vấn đề này, ngày 16-12-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc; chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký; chứng thực hợp đồng, giao dịch; giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực; quản lý nhà nước về chứng thực. Theo đó, tại Khoản 3, Điều 2 có quy định: Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực. Tại Khoản 3, Điều 3 của nghị định này có quy định rõ về chữ ký chứng thực như sau: Chữ ký được chứng thực theo quy định tại nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản. Tại Khoản 5, Điều 5 có quy định: Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
Về trách nhiệm và thẩm quyền của UBND cấp xã trong việc chứng thực các loại văn bản, giấy tờ của công dân, tại Khoản 2, Điều 5 của nghị định này đã quy định rõ: UBND xã, phường, thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm: Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch; Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản; Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở; Chứng thực di chúc; Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản; Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản… Chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND cấp xã.
Nguồn Báo Bình Phước