Công chứng bảo đảm tính an toàn pháp lý trong giao dịch dân sự. Kể từ khi Luật Công chứng đi vào cuộc sống, tổ chức hành nghề công chứng đã phát triển về số lượng và quy mô, góp phần không nhỏ bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của người dân. Từ đó, tạo môi trường tin cậy, giúp phòng ngừa các rủi ro, tranh chấp cũng như góp phần cải cách hành chính, phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

NHANH GỌN VÀ AN TOÀN PHÁP LÝ CHO NGƯỜI DÂN

Khi nhu cầu công chứng ngày càng tăng thì việc chuyển giao thẩm quyền chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch từ UBND huyện, thị xã và UBND một số xã, phường, thị trấn sang các tổ chức hành nghề công chứng đã tạo điều kiện thuận lợi không nhỏ cho người dân.

Anh Trần Hoàng Cuông, ngụ xã Tân Tiến (Bù Đốp) đến Văn phòng công chứng Phạm Văn Thơm tại huyện để làm thủ tục ủy quyền sang nhượng đất cho một thành viên khác trong gia đình. Tại đây, anh được các công chứng viên và nhân viên hướng dẫn cụ thể các bước làm thủ tục theo đúng quy trình. Và khoảng 20 phút anh đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết. Anh Cuông cho biết: “Tôi rất ít khi đi làm thủ tục giấy tờ. Khi đến văn phòng được hướng dẫn cụ thể, đúng trình tự thủ tục theo quy định nên hồ sơ hoàn thành nhanh và tôi rất an tâm”.

Người dân làm thủ tục tại Phòng công chứng số 3, thị xã Phước Long

Trước đây, người dân thực hiện các hợp đồng sang nhượng đất và các loại tài sản khác như nhà ở, vay vốn thế chấp ngân hàng… đều phải đến bộ phận tư pháp xã, phường để chứng thực. Nhưng theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Luật Công chứng năm 2007 thì hoạt động công chứng được thắt chặt hơn nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên thực hiện giao dịch.

Hồ sơ chứng thực ở xã, phường, thị trấn chỉ mang tính chất là chứng nhận sự việc, không đề cập đến nội dung trong khi công chứng bảo đảm nội dung của một hợp đồng, một giao dịch; công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch đó. Hoạt động công chứng mang tính pháp lý cao hơn. Ngoài ra, khi đến công chứng tại các phòng công chứng, văn phòng công chứng, người dân sẽ được tư vấn kỹ, chu đáo, thời gian giải quyết được rút ngắn.

Ông Bùi Quang Phụng, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng: “Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, đặc biệt về xã hội hóa công chứng có ý nghĩa quan trọng giúp người dân, nhất là hoạt động công chứng thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình”.

THIẾU VÀ KHÓ

Toàn tỉnh hiện có 25 tổ chức hành nghề công chứng; trong đó 2 phòng công chứng ở thị xã Đồng Xoài và thị xã Phước Long, 23 văn phòng công chứng tại các huyện, thị xã. Hoạt động của các tổ chức này cơ bản đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân khi thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đang gặp nhiều khó khăn cần sớm được giải quyết.

Năm 2014, Văn phòng công chứng Phạm Văn Thơm thành lập, đã giúp người dân huyện biên giới Bù Đốp thuận lợi hơn trong thực hiện các giao dịch dân sự. Theo quy định, mỗi thị xã, huyện sẽ thành lập 3 tổ chức công chứng, thế nhưng đây là văn phòng công chứng duy nhất ở Bù Đốp đến thời điểm hiện nay. Công chứng viên Phạm Văn Thơm, Trưởng văn phòng cho biết: Hiện cả huyện Bù Đốp chỉ có duy nhất văn phòng công chứng nên chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhân viên phải đối mặt với sự quá tải, công chứng viên kiêm luôn nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn thủ tục cho người dân…

Người dân giao dịch tại Văn phòng một cửa UBND xã Tiến Thành (ảnh minh họa) – Ảnh: K.B

Văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập, đồng thời là trưởng văn phòng đại diện trước pháp luật, được sự ủy nhiệm của Nhà nước, tự chủ hoàn toàn về tài chính. Thế nhưng, một số người dân cho rằng văn phòng công chứng là của tư nhân, do đó họ chưa nhận thức đầy đủ hoạt động của các văn phòng này.

Công chứng viên Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng văn phòng công chứng Bình Phước (Đồng Xoài) cho biết: “Khi đến công chứng, người dân không mang đủ các loại giấy tờ theo quy định, dù được công chứng viên giải thích rõ ràng, nhưng số ít người dân lại cho rằng phòng cố tình gây khó dễ. Mặt khác, người dân và các tổ chức tín dụng còn có sự phân biệt giữa phòng công chứng và văn phòng công chứng”.

Theo Đề án 2104 của Chính phủ, mỗi địa bàn huyện, thị xã của tỉnh Bình Phước sẽ có 3 tổ chức hành nghề công chứng; mỗi đơn vị sẽ có 2 công chứng viên. Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 tổ chức hành nghề công chứng, như vậy Bình Phước còn thiếu 8 tổ chức hành nghề công chứng và thiếu 18 công chứng viên.

Về nguyên nhân, ông Bùi Quang Phụng cho rằng: Hiện nay, việc đào tạo đội ngũ công chứng viên rất khắt khe. Ngoài tốt nghiệp Đại học Luật; làm việc trong cơ quan pháp luật 5 năm thì muốn trở thành công chứng viên phải học tại Học viện Tư pháp về hành nghề công chứng 1 năm, tập sự tại các tổ chức hành nghề công chứng 1 năm mới được bổ nhiệm là công chứng viên.

Việc thành lập các văn phòng công chứng đã giảm gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân của các công chứng viên. Vì vậy, để xã hội hóa công chứng theo đúng lộ trình, mục tiêu đề ra, chính quyền và ngành chức năng cần tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức hành nghề công chứng phát triển; đặc biệt là nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của hoạt động công chứng, hướng đến đảm bảo lợi ích cao nhất của người dân.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : chứng thựcphòng công chứng

Các tin liên quan đến bài viết