Sau 5 tháng bùng phát, đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại TP.HCM và nhiều địa phương đã có dấu hiệu giảm. Dù có thể dịch còn diễn biến phức tạp trên cả nước nhưng với những gì đã trải qua, các chuyên gia y tế tin tưởng sẽ có cách xử lý tốt hơn.
Rất nhiều câu hỏi gửi đến Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức và phó giám đốc Trung tâm hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược Lê Minh Khôi, trong cuộc trò chuyện trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ do Bộ Y tế, báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 18-10. Qua đó cũng gợi mở nhiều điều về tình hình sắp tới.
Có lúc tưởng đã bất lực
Gương mặt Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhiều lần chùng xuống tại buổi trò chuyện khi nói về những thời điểm khó khăn nhất trong đợt dịch này. Theo ông Sơn, thời điểm khó khăn nhất trong đợt dịch này là cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, khi số bệnh nhân tử vong hằng ngày tăng rất cao, có ngày riêng TP.HCM lên tới 340 ca.
“Có những lúc chúng tôi tưởng là bất lực, cá nhân tôi đã một mình đi đến Bình Hưng Hòa, đến các trung tâm hồi sức bệnh nhân COVID-19… Với tinh thần nhìn thẳng vào diễn biến của dịch, điều chỉnh các chính sách, đề nghị ngành y tế TP xây dựng mô hình “bệnh viện chị em”, giữa 3 tuyến có sự phối hợp để chuyển lên tuyến trên bệnh nhân nặng, chuyển tuyến dưới bệnh nhân nhẹ, hỗ trợ chuyên môn qua hội chẩn tại chỗ, từ xa, phát hiện ca nặng kịp thời” – ông Sơn chia sẻ.
Một thời điểm then chốt nữa mà ông Sơn nhắc đến trong 5 tháng khó khăn vừa qua tại TP.HCM là thời điểm cách ly F0 tại nhà, khi xét nghiệm nhanh dương tính coi như xác định F0, kể cả dương tính phát hiện qua mẫu gộp. “Đây cũng là quyết định táo bạo, là thời điểm hết sức có ý nghĩa trong cuộc đời của chúng tôi” – ông Sơn trải lòng.
Bây giờ chưa an toàn hẳn
Tỉ lệ F0 tại cộng đồng qua xét nghiệm cuối tháng 9 vừa qua ở TP.HCM đã giảm xuống còn 0,1%, thấp hơn rất nhiều so với tháng 8 và đầu tháng 9. TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ đang hồi sinh, dòng người quay trở lại TP làm việc đang đông dần.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hiện vẫn chưa an toàn hẳn. Quan điểm của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 là an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Đây là những điểm nhấn trong nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế. “Giai đoạn này nếu chúng ta thực hiện tốt sẽ có kết quả tốt, nếu lơ là, chủ quan, tiêm vắc xin không đủ liều, tụ tập đông người thì sẽ đánh mất cơ hội” – ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng đánh giá hiện tại lực lượng, đội ngũ nhân lực, thiết bị y tế, kinh nghiệm chống dịch… đã tốt hơn rất nhiều ở giai đoạn đầu dịch bùng phát ở khu vực phía Nam. “Những ngày vừa qua, các đồng nghiệp y khoa cả nước đã tập trung về khu vực phía Nam, cùng tổ chức bệnh viện, phổ biến phương pháp theo dõi điều trị bệnh nhân hồi sức, tâm thế chống dịch hiện nay đã khác vì số lượng người có
kinh nghiệm đã gia tăng. Nếu dịch bùng phát trở lại, sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hụt y bác sĩ hồi sức cấp cứu như thời gian đầu” – ông Sơn khẳng định.
Nhưng hy vọng sẽ không còn những ngày “xấu, đen”
Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ bản thân ông rất đau xót và đã chứng kiến nhiều hình ảnh người nhiễm COVID-19 tử vong. Để không xảy ra tình trạng này, từ các cấp chính quyền đến người dân cần phải có ý thức cùng nhau phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện tốt những khuyến cáo trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
“Với ý thức mỗi cá nhân và cộng đồng được nâng cao và sự mạnh mẽ của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, đặc biệt khi có vắc xin và những loại thuốc điều trị mới, tôi tin tưởng rằng tương lai “xấu, đen” (đợt dịch mới bùng phát – PV) không xảy ra nữa” – ông Sơn nói.
TS.BS Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM – cũng tin rằng với nghị quyết 128 của Chính phủ, hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, đặc biệt là chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang diễn ra trên diện rộng… sẽ không làm bùng phát dịch thêm lần nữa.
“Tôi mong muốn tất cả người dân Việt Nam sẽ được tiêm vắc xin trong thời gian sớm nhất. Nếu xảy ra điều không mong muốn thì chắc chắn tỉ lệ chuyển nặng và tử vong cũng sẽ giảm, giống như thời điểm hiện tại” – bác sĩ Thức nói. Đồng thời cho biết hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Hồi sức COVID-19 TP.HCM, số bệnh nhân mới, chuyển nặng và tử vong nhập viện giảm rõ rệt.
Vẫn phải “5K + vắc xin”
Trong buổi trò chuyện, bạn đọc có hỏi trường hợp bệnh nhân đã hết bệnh, nếu không bị tái nhiễm thì không lây cho người khác, như vậy có cần thực hiện biện pháp 5K không? PGS.TS Lê Minh Khôi – phó giám đốc Trung tâm hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cho biết theo tiêu chuẩn Bộ Y tế, F0 hết bệnh thì không còn khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, để đánh giá một người bệnh có tái nhiễm hay không rất khó bởi virus vô hình.
Như vậy, về mặt khoa học, người hết bệnh sẽ không lây cho người tiếp xúc nếu họ không thực hiện 5K, tuy nhiên khi ra ngoài cộng đồng không biết được mình có mang virus hay không dù trước đó có kết quả âm tính.
“Hai biện pháp cực kỳ quan trọng vào trước, trong và đến bây giờ là 5K và vắc xin. 5K giúp tránh lây nhiễm, còn vắc xin giúp tránh chuyển nặng. Chúng ta đừng nghĩ rằng âm tính rồi thì không lây vì không biết lúc nào tái dương tính và không hình dung là vật mang mầm bệnh” – ông Khôi lý giải.
Đồng lòng hướng về đồng bào
Trong suốt 5 tháng chống dịch vừa qua, cá nhân TS.BS Nguyễn Tri Thức và tập thể y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Hồi sức COVID-19 TP.HCM chia sẻ họ cảm nhận rất rõ tình người trong đại dịch, tinh thần đại đoàn kết, tình yêu thương của nhân dân TP.HCM và cả nước… “Điều này tạo động lực rất lớn, không cho phép lực lượng chống dịch gục ngã và đã chiến đấu hết mình. Tinh thần đoàn kết đóng vai trò quyết định thành công công cuộc chống dịch vừa qua” – bác sĩ Thức bộc bạch.
PGS Lê Minh Khôi tâm sự, có một từ ông hay nói với các bạn trẻ, sinh viên, tình nguyện viên là “đồng”. Khi dịch xảy ra, chúng ta có bối rối nhưng sau đó đã đồng lòng từ lãnh đạo đến người dân làm tất cả để đưa TP trở lại bình thường.
Khi bước vào trận chiến này, trên cả đồng nghiệp thì có đồng đội. Bởi vì đồng nghiệp thì trao đổi với nhau về công việc, còn đồng đội đã nâng đỡ rất nhiều điều khác mà bên ngoài không thấy được. Khi đối diện cái chết hay khó khăn thì tình đồng đội rất cao. Và tất cả: đồng lòng, đồng nghiệp và đồng đội đều hướng về đồng bào.
“Chính tiếng “đồng bào” thúc đẩy tôi và cả những đồng nghiệp trẻ bước tiếp, đồng lòng vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Tôi hy vọng trong thời gian tới với chữ “đồng” đó chúng ta sẽ cùng TP vượt qua dịch bệnh và đi lên” – PGS Khôi xúc động chia sẻ.
Chỉ tiêm cho trẻ bằng vắc xin riêng cho trẻ
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, riêng tại TP.HCM thời gian qua có một số trẻ em nhiễm bệnh và diễn biến nặng trên cơ địa có bệnh nền. Việc tiêm chủng cho trẻ em đang được gấp rút chuẩn bị. Về loại vắc xin, ông Sơn cho biết hiện chưa quyết định, nhưng sẽ chỉ sử dụng loại vắc xin có chỉ định tiêm chủng cho trẻ em, vắc xin đã được nghiên cứu và thử nghiệm, đã được phê duyệt sử dụng ở nhiều quốc gia.
“Tất nhiên so với các nghiên cứu vắc xin truyền thống, vắc xin ngừa COVID-19 đến nay mới chỉ có 2 năm vừa nghiên cứu vừa sử dụng, thời gian như vậy là chưa dài, chưa thể theo dõi hết một cách toàn diện. Chúng tôi chia sẻ lo lắng của các bậc cha mẹ. Nhưng như tôi đã nói, chúng ta chỉ sử dụng vắc xin đã có thử nghiệm, đã được sử dụng trên thế giới, được phê duyệt và có chỉ định sử dụng cho trẻ em” – ông Sơn nói.
Phú Thọ: làm rõ nguyên nhân lây lan dịch ở trường học
Lực lượng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khu vực phong tỏa xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì
Theo Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, đến trưa 18-10, toàn tỉnh có thêm 69 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trong toàn tỉnh kể từ ngày 13-10 đến nay là 123 ca. Trong đó, TP Việt Trì ghi nhận 107 ca (riêng xã Chu Hóa 97 ca), huyện Lâm Thao 8 ca và huyện Phù Ninh 8 ca. Tới nay, tỉnh Phú Thọ cũng chưa xác định được nguồn lây ban đầu của các chùm ca bệnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho biết đến chiều 18-10 có 46 học sinh mắc COVID-19 ở TP Việt Trì, huyện Lâm Thao và Phù Ninh. Đáng chú ý, trong số này có chùm ca mắc tại Trường THCS Chu Hóa (TP Việt Trì).
Theo CDC Phú Thọ ngày 17-10, TP Việt Trì phát hiện 2 học sinh Trường THCS Chu Hóa mắc COVID-19, đều là con của bệnh nhân Đ.T.Q. (ở xã Chu Hóa). 2 học sinh có tiếp xúc với các thầy cô giáo và nhiều bạn cùng lớp/trường ở nhiều địa phương khác nhau, kết quả xét nghiệm dương tính ở chu kỳ thấp nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.
“Do có nhiều trường hợp F1, F2 liên quan nên sở cũng quyết định cho học sinh trên địa bàn huyện Phù Ninh và Tam Nông tạm dừng đến trường kể từ ngày 19-10 để phòng chống dịch. Đồng thời, yêu cầu Phòng GD-ĐT TP Việt Trì chỉ đạo Trường tiểu học Chu Hóa, Trường THCS Chu Hóa báo cáo, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra lây lan dịch bệnh COVID-19 tại đơn vị” – ông Mạnh nói.
Tại buổi làm việc với TP Việt Trì ngày 18-10, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang yêu cầu TP khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất để đưa vào hoạt động khu cách ly tập trung với công suất 150 giường. Đồng thời, nhanh chóng tiến hành xét nghiệm sàng lọc tại các phường Gia Cẩm, Dữu Lâu, Thanh Miếu… để có biện pháp khoanh vùng kịp thời và làm rõ nguyên nhân để lây lan dịch bệnh tại Trường tiểu học Chu Hóa và Trường THCS Chu Hóa. Cương quyết xử lý kỷ luật nếu không tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Cà Mau: cần chi viện
Ngày 18-10, tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy để nghe đoàn đóng góp cho tỉnh về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc tăng cao những ngày gần đây. Bác sĩ Trần Thanh Linh – trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, trưởng đoàn công tác – cho biết sau khi khảo sát, đoàn sẽ tham gia điều trị và có những buổi tập huấn, giúp tỉnh có chiến lược lâu dài trong phòng chống dịch.
Theo tính toán, nếu Cà Mau xây dựng kịch bản phòng chống dịch COVID-19 ở mức độ thấp thì số giường ở tầng 1 tối thiểu 1.194 giường, tầng 2 là 134 giường và tầng 3 là 62 giường. Còn mức độ dịch trung bình thì số giường bệnh tầng 1 của chúng ta ít nhất là 2.508 giường, tầng 2 là 401 giường và tầng 3 là 186 giường.
Tuy nhiên, đánh giá chung của đoàn công tác, Cà Mau đang ở mức độ thấp đến trung bình, như vậy công suất chuẩn bị cho số giường tầng 2 và tầng 3 của tỉnh bắt buộc phải nâng cấp. Đặc biệt, hiện nay Cà Mau đang thiếu rất nhiều máy thở oxy dòng cao HFNC, toàn tỉnh chỉ có 6 máy. Với số lượng này thì quá thấp so với tình hình dịch COVID-19 của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Dũng – giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau – cho biết kinh nghiệm điều trị ca mắc COVID-19 nặng ở Cà Mau là chưa nhiều. Chính vì vậy, ngành y tế mong muốn đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy có thêm buổi tập huấn; trong đó có những cảnh báo, đánh giá nguy cơ trong điều trị để điều chuyển bệnh nhân cho phù hợp. Bên cạnh đó là kinh nghiệm trong việc sử dụng các loại thuốc cho bệnh nhân.
Câu hỏi lo lắng về khả năng có đợt dịch thứ 5 hay không mà bạn đọc báo Tuổi Trẻ gửi đến các chuyên gia y tế khi có thực tế ở một số địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm trong những ngày qua.
Sóc Trăng có 64% người đã được tiêm vắc xin, phần lớn là mũi 1
Ông Trần Văn Lâu – chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – cho biết tỉnh đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm ngừa vắc xin và thần tốc truy vết, sàng lọc trong cộng đồng. Tính đến nay đã có gần 64% người dân Sóc Trăng được tiêm vắc xin với 640.773 người, trong đó mũi 1 gần 600.000 người.
Nguồn: tuoitre.vn