Hiện tượng vận động bài trừ tiêm văcxin cho trẻ bỗng diễn ra trong cộng đồng mạng khiến không ít người lo lắng. “Phong trào” đang gây chú ý với nhiều thành viên hoàn toàn từ chối văcxin. Không tiêm văcxin cho trẻ dễ dẫn đến điều gì?
“Chống” tiêm văcxin có gây nguy hiểm?
Chăm sóc trẻ nghi bị viêm não 
Ở Mỹ để tránh lây bệnh ra cộng đồng, luật pháp các tiểu bang không cho phép trẻ chưa tiêm chủng học ở các trường công, trừ trẻ có giấy của bác sĩ cho biết cháu bị dị ứng văcxin, đang điều trị ung thư hay bị suy giảm miễn dịch. Đó chính là lý do Mỹ duy trì được tỉ lệ tiêm chủng cao”
BS Phúc

Các chuyên gia y tế cảnh báo nếu không tiêm phòng, nhiều em dễ bị di chứng trầm trọng khi mắc một số bệnh.

Những con số biết nói
Tính từ đầu năm 2017 đến hết tháng 5, toàn quốc ghi nhận 119 trẻ mắc ho gà, 2 bé trong đó đã tử vong. Một tỉ lệ đáng kể trong số trẻ mắc bệnh chưa được tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đủ mũi, không rõ tiền sử tiêm chủng. Ho gà là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể ngừa được bằng văcxin, nhưng số trẻ mắc ho gà đang tăng trở lại kể từ năm 2014 cho đến nay. Tháng 6 vừa qua có 21 trẻ mắc viêm não Nhật Bản vào Bệnh viện Nhi T.Ư, số trẻ bệnh tăng mạnh so với tháng trước đó. Có bé viêm não Nhật Bản do không tiêm ngừa đủ mũi, đã mắc bệnh rất nặng và bị liệt, không nói được, cổ mềm không đỡ được đầu…Tiêm hay không tiêm văcxin là vấn đề được nhiều gia đình đặt ra, nhất là sau khi có tin về tai biến sau tiêm. Trên mạng xã hội, đã có một nhóm kín có tên “Văcxin nên hay không?” với trên 10.000 thành viên, trong một tháng vừa qua số thành viên đã tăng gần gấp đôi. Ở đó các bậc cha mẹ bàn với nhau về đủ thứ việc xung quanh mũi văcxin như: mẹ có khả năng bị lây thủy đậu trong khi con chưa tiêm ngừa bất kỳ văcxin nào ngoài mũi ngừa lao thì phải làm sao? Bé 9 tháng tuổi bị ngã và chảy máu có cần tiêm mũi ngừa uốn ván không?…Một tỉ lệ khá lớn người đăng các status trong nhóm này có con chưa từng tiêm bất kỳ loại văcxin nào, hoặc chỉ tiêm một vài mũi rồi bỏ. Có thành viên trong nhóm thậm chí còn lo ngại tiêm văcxin liên quan tới chứng bệnh… tự kỷ (!?). Không chỉ ở Việt Nam, những hội nhóm tương tự đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, ở Úc tên nhóm được đặt là anti văcxin (chống văcxin).
Thiếu kiểm chứng nên bài bác?
Theo TS Phạm Quang Thái, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, nước nào cũng có hội như vậy, chỉ là ít hay nhiều vì đây là quy luật khách quan: khi bệnh tật nhiều thì họ sợ bệnh, còn khi hết bệnh họ lại sợ tai biến sau tiêm, dù tai biến ở tỉ lệ thấp. “Họ từ chối tiêm rồi miễn dịch cộng đồng thấp sẽ xảy ra dịch, họ lại sợ rồi tỉ lệ tiêm lại cao. Chỉ khi thực sự thanh toán được bệnh mới không băn khoăn về văcxin thôi, ví dụ như bệnh đậu mùa đã được thanh toán hoàn toàn”- ông Thái nói. TS Thái cho rằng khi chống văcxin thì chắc chắn tỉ lệ tiêm sẽ giảm, nhất là khu vực thành thị nơi người dân tiếp cận thông tin đa luồng, những người chống văcxin trên thực tế xuất phát từ những người có kiến thức y tế, thậm chí là bác sĩ. Ở Pháp từng có bác sĩ “đầu trò” anti văcxin, sau đó đã bị hội đồng chuyên môn thu hồi bằng và chứng chỉ hành nghề. “Tôi cho rằng hội chống văcxin chủ yếu dựa trên các thông tin thiếu kiểm chứng, chưa đầy đủ để bài bác văcxin. Thậm chí họ dùng cả những thông tin đã được chứng minh là sai như tiêm sởi gây tự kỷ”- ông Thái chia sẻ.
Tử vong, di chứng
Một trong những vụ dịch nặng nề nhất trong 20 năm qua là vụ dịch sởi 2014, làm khoảng 150 trẻ em Việt Nam chết. Vụ dịch sởi này xuất hiện ngay sau khoảng nửa năm tỉ lệ tiêm chủng xuống thấp (do các bậc cha mẹ lo ngại tai biến sau tiêm văcxin). Trong 3-4 năm gần đây, một số căn bệnh đã có thời tưởng chừng không còn ở Việt Nam như ho gà lại gia tăng trở lại và năm nào cũng có trẻ tử vong do ho gà. Theo một bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, đã có những bất thường xảy ra liên quan đến tiêm chủng, như nhiều ổ dịch sởi, ho gà nhỏ xuất hiện ngay ở các thành phố lớn, nơi người dân có nhiều thông tin, e ngại tai biến sau tiêm nhất. Bác sĩ này cũng cho biết trên thế giới những nơi nào có phong trào chống văcxin thì ở đó xuất hiện dịch. Trong khi đó, trước 2007 (trước khi triển khai tiêm văcxin viêm não Nhật Bản), trên 60% trong tổng số ca mắc viêm não virút các loại là do virút viêm não Nhật Bản, sau 10 năm triển khai tiêm ngừa tác dụng phòng bệnh của văcxin là rõ ràng. Có người nói nhiều cha mẹ tham gia chống văcxin không bao giờ chịu tin các nguồn chính thống, không chịu lắng nghe, có bác sĩ lại chia sẻ chống lại văcxin là chống lại khoa học. Cha mẹ cũng không phải vô lý khi lo ngại tai biến tiêm chủng. Ngành y tế hơn lúc nào hết phải nâng chất lượng dịch vụ tiêm chủng, nhưng đây cũng là lúc cha mẹ cần sáng suốt lựa chọn. Không gì đau xót hơn là con cháu mình bị ốm đau, thậm chí bị di chứng hoặc nặng nề hơn nữa vì các căn bệnh có thể phòng ngừa.

Theo thống kê của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, từ đầu năm 2017 các bệnh viện đã tiếp nhận 83 trẻ mắc viêm não Nhật Bản. Đây là căn bệnh khá nguy hiểm do tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng lên tới 25%. Phần lớn trẻ mắc bệnh năm nay thuộc nhóm trên 5 tuổi, lứa tuổi chưa được tiêm văcxin viêm não Nhật Bản đầy đủ. Bên cạnh đó có 119 trẻ mắc ho gà, 2 cháu trong số này đã tử vong trong khi đây cũng là căn bệnh đã có văcxin phòng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : tiêm chủngtiêm phòngtiêm Vắcxinviêm não Nhật Bảnviệt nam

Các tin liên quan đến bài viết