Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 923/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư. Theo đó, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp với những nội dung chính như sau:
Hội thảo Chính sách hỗ trợ DNNVV – kinh nghiệm từ Nhật Bản (ảnh minh họa)
Hỗ trợ phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi:
Hỗ trợ phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản nhằm nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ về giống; nâng cấp các cơ sở giống ở trung ương và địa phương; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho một số vùng sản xuất giống trọng điểm; sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, cây đầu dòng, giống cụ kỵ, giống ông bà, đàn hạt nhân; nhập nội nguồn gen, bản quyền tác giả và những giống mới; hoàn thiện khung pháp lý về giống phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý giống… Nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 1.404 tỷ đồng để thực hiện các dự án đã phê duyệt ở trung ương và 22 địa phương.
Hỗ trợ hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
Đối tượng được hỗ trợ là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, sơ chế các loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn thuộc danh mục sản phẩm được hỗ trợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định. Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo từng sản phẩm có lợi thế của địa phương ứng dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tưới tiên tiến tiết kiệm nước…; hỗ trợ đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy hoạch được duyệt; hỗ trợ áp dụng sản xuất theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nguồn vốn đầu tư phát triển: Giai đoạn 2016 – 2020, ngân sách trung ương hỗ trợ 2.940 tỷ đồng.
Hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp
Đối tượng được hỗ trợ là hợp tác xã, bao gồm cả quỹ tín dụng nhân dân, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã) đáp ứng các tiêu chí cụ thể của từng nội dung hỗ trợ được quy định trong chương trình. Thành viên, sáng lập viên, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập và tham gia hợp tác xã. Cơ quan, cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến phát triển hợp tác xã. Nhiệm vụ là tập huấn về quy định pháp luật hợp tác xã trước khi thành lập hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của hợp tác xã; hỗ trợ thực hiện các thủ tục tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã; bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã; hỗ trợ các hoạt động về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ hợp tác xã phát triển kết cấu hạ tầng. Nguồn vốn đầu tư phát triển: Giai đoạn 2016 – 2020, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 550 tỷ đồng để thực hiện các dự án.
Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Đối tượng hỗ trợ là nhà đầu tư nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ theo quy định tại nghị định này. Nhiệm vụ triển khai: Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư về các lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc; xây dựng cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, chế biến cà phê; xây dựng cơ sở chế tạo thiết bị cơ khí bảo quản, chế biến nông sản). Nguồn vốn đầu tư phát triển: Giai đoạn 2016 – 2020, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 980 tỷ đồng để 43 tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án.
PV