‘Rút kinh nghiệm là một bệnh, một tật xấu và không có tính răn đe. Bởi vậy mới nói sợi dây kinh nghiệm rút mãi không hết’, ĐBQH Lê Thanh Vân nói.

Điều 1 của Quyết định 1542 do Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum ký ngày 23/4 nêu: Giao dự toán kinh phí không tự chủ từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng cho Văn phòng Tỉnh ủy thực hiện lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được bảo mật, với dự toán kinh phí là gần 1 tỷ đồng (981 triệu đồng).

Trao đổi với Zing.vn , Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Sóc Trăng Trần Đình Ân cho biết quyết định do ông Sum ký có ghi ba chữ “được bảo mật”. Do đó, Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng chi tiền lắp camera không cung cấp hồ sơ chi tiết cho kho bạc mà chỉ gửi giấy rút vốn, đề nghị chuyển tiền từ tài khoản của Văn phòng Tỉnh ủy cho đơn vị lắp camera.

Điều này khiến dư luận một lần nữa hoài nghi về việc chi tiêu ngân sách ở địa phương này, dù lãnh đạo Sóc Trăng đã nhận sai và thu hồi Quyết định 1542.

Thực hiện quy trình đúng từ một văn bản sai

Phân tích rõ hơn việc này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng việc kho bạc chi trong dự toán đã được duyệt là đúng trình tự.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Minh Quân.

Nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng – đơn vị dự toán, lại xây dựng dự toán không đúng với nhiệm vụ chi. Dẫn thông tin Công an Sóc Trăng giải thích lắp camera để chống khủng bố, ông Vân cho rằng trước khi đưa ra quyết định phải xem xét lý do cho đúng, như lý do chống khủng bố là không thỏa đáng. Vì thế, dư luận đặt ra câu hỏi lớn và vô cùng bức xúc trước việc này.

Về yêu cầu “được bảo mật” nêu trong quyết định đầu tư, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách khẳng định lĩnh vực đầu tư theo nhóm mật chắc chắn không có nội dung này, cũng không có quy định nào về bảo mật đối với những nội dung này.

“Kho bạc là đơn vị thực hiện kiểm soát việc chi tiêu theo đúng quy định, văn bản của tỉnh phê duyệt dự toán và đánh dấu ‘được bảo mật’ nên kho bạc phải tuân thủ. Tức là trong trường hợp này, kho bạc tỉnh đã tuân thủ đúng nguyên tắc trên cơ sở cái sai, chấp hành đúng về quy trình thủ tục trong khi nội dung văn bản là sai trái”, ông Vân nói.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng phải đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng công khai mọi chứng từ thu – chi tiền ngân sách, không thể giấu giếm.

Theo ông, địa phương này nhận khuyết điểm nhưng cấp trên vẫn cần kiểm điểm nghiêm túc vì đây là sự tùy tiện trong sử dụng ngân sách. “Tuy là việc nhỏ nhưng lại mang tính chất gian tham”, ông Hùng nói.

Nhà một lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh Ủy Sóc Trăng được trang bị camera. Ảnh: Tuấn Anh.

Vị cựu lãnh đạo này cũng cho rằng chi ngân sách không có gì phải bảo mật, văn bản về nội dung này cũng không phải diện văn bản mật nên các thủ tục thu – chi theo đúng quy trình đều phải qua kho bạc và có thanh quyết toán.

“Quyết định chi cho cơ quan bao nhiêu dựa trên dự toán thì ra kho bạc lấy và phải tiến hành quyết toán công khai, không có gì bí mật gì hết”, ông Hùng nói và nhận định có thể tỉnh muốn thêm yêu cầu “được bảo mật” vì không muốn bị “soi” chủ trương này.

Nguyên Vụ trưởng Vụ I Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Sửu cho hay có những khoản chi từ ngân sách không công khai, nhưng trường hợp ở Sóc Trăng không nằm trong diện đó. Vì vậy, phải đảm bảo thủ tục thu – chi ngân sách qua kho bạc và công khai việc thanh quyết toán.

Dùng cái sai để khắc phục cái sai?

Nhân câu chuyện này, bàn về thông báo thu hồi văn bản trên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng phát hành nhưng lại đóng dấu treo, đại biểu Lê Thanh Vân nhận định đó là cách xử lý không đúng đắn, phản cảm, cố tình né tránh trách nhiệm.

“Đó là một văn bản không chịu nhận sai, dùng cái sai để khắc phục cái sai”, vị đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.

Theo đúng nguyên tắc, ông Vân cho rằng cần có một nghị quyết của Ban Thường vụ hoặc cấp ủy cấp trên để hủy bỏ quyết định chi tiền ngân sách lắp camera nhà lãnh đạo chứ không thể bằng một thông báo được đóng dấu treo. Bởi lẽ nó không có ý nghĩa trong việc chấm dứt hiệu lực của văn bản đã ban hành.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ mục đích chi từ lúc lập dự toán, xem nhiệm vụ chi đó có đúng không, cho đến khi phê duyệt, quyết định và xuất tiền chi để tìm ra sai phạm.

Ông Vân cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước làm rõ căn cứ để quyết định chi gần 1 tỷ lắp camera. “Trong khi ngân sách Đảng cũng như ngân sách Nhà nước khó khăn mà tỉnh ‘chơi ngông’ như vậy. Nếu nói lo ngại khủng bố thì theo Luật Cảnh vệ phải có nguy cơ hiện hữu, nhưng ở Sóc Trăng không có nguy cơ đó nên nhiệm vụ chi ấy là không đúng”, đại biểu Vân phân tích.

Cùng với đó, ông cũng cho rằng cơ quan kiểm tra cấp trên là Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần phải vào cuộc để kiểm tra, kết luận việc tuân thủ quy định sử dụng ngân sách của Đảng, Nhà nước đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Camera được lắp ngay trước ngõ nhà một lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cần kiểm tra việc ban hành văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng và cả việc thông báo hủy bỏ quyết định đã ban hành có đúng luật không. Trên cơ sở đó, xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể đã tham mưu, thông qua quyết định đó để có hình thức xử lý nghiêm.

Sợi dây “kinh nghiệm” rút mãi cũng không hết

Ông Lâm Văn Mẫn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, cho biết sau khi báo chí phản ánh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp kiểm điểm vụ dùng tiền ngân sách lắp camera nhà lãnh đạo. Sau khi phân tích, đánh giá vụ việc, các thành viên trong Ban Thường vụ thống nhất rút kinh nghiệm, báo cáo Trung ương và xin ý kiến chỉ đạo tiếp.

“Hình thức rút kinh nghiệm không có trong danh mục các hình thức kỷ luật. Nhưng thực tế lâu nay, các cá nhân, tổ chức thường dùng hình thức rút kinh nghiệm để né tránh trách nhiệm.

Đã vi phạm thì phải xử lý bằng các hình thức rõ ràng được quy định trong các văn bản luật, nhẹ thì khiển trách, nặng thì khai trừ Đảng chứ không thể trốn tránh trách nhiệm bằng một thông báo không đúng thể thức và một hình thức xử lý không có trong quy định”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Theo vị đại biểu này, nếu địa phương thiếu tự giác, thiếu trung thực thì cơ quan cấp trên là Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải xử lý cho nghiêm minh để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của Đảng, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Ông Vân một lần nữa nhấn mạnh cơ quan kiểm tra cấp trên cần xem xét toàn bộ động cơ, mục đích của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng khi lấy tiền ngân sách lắp camera nhà riêng lãnh đạo. Cùng với đó, xem xét giải trình của tập thể này có hợp lý hay không.

Nhắc lại quan điểm của Chính phủ tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 về việc này là không thể rút kinh nghiệm mà phải xử lý nghiêm, ông Ngô Văn Sửu cũng đồng tình rằng không thể cho qua việc này.

“Rút kinh nghiệm là một bệnh, một tật xấu và không có tính răn đe. Bởi vậy mới nói sợi dây kinh nghiệm rút mãi không hết. Tôi cho rằng cần kỷ luật nghiêm túc người đề xuất, người thông qua và người ký chủ trương đó để giải quyết đến nơi đến chốn, không thể tự phê bình nhau và rút kinh nghiệm mãi”, ông Sửu nói và nhấn mạnh phải xử làm sao để làm gương, không tạo tiền lệ xấu cho các địa phương khác.

Theo Zing News

Từ khóa : lắp cameralắp camera nhà lãnh đạoSóc Trăng

Các tin liên quan đến bài viết