Đội vốn dự án chính là cách nói khác đi của một cụm từ mà chúng tôi nghĩ nên dũng cảm viết thẳng, đó chính là “chảy máu ngân sách”…

Khi mà những dự án ngày càng phình to ra như dự án Sào Khê (Ninh Bình) chưa kịp hạ nhiệt, khi mà những khoản đầu tư đầy tù mù của các dự án BOT còn chưa được làm rõ và minh bạch, thì thông tin Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận 22 dự án đội vốn nghìn tỷ ở Hải Phòng càng khiến dư luận choáng váng.

Trên thực tế, đội vốn dự án chính là cách nói khác đi của một cụm từ mà chúng tôi nghĩ nên dũng cảm viết thẳng, đó chính là “chảy máu ngân sách”.

Nói tới miếng bánh, người ta liên tưởng ngay đến việc nó được chia nhau để ăn. Tất nhiên, ngân sách nhà nước thì không phải là miếng bánh, đó là tiền thuế từ mồ hôi, công sức của nhân dân đóng góp vào để xây dựng và phát triển đất nước.

Người có tâm, tiêu một đồng của ngân sách cũng phải nghĩ, nhưng cũng có những người xem ngân sách không khác gì miếng bánh, tìm cách để lấy càng nhiều càng tốt; và cũng không ít người quan niệm rằng, vốn nhà nước mặc sức mà tiêu!

Mới đây, báo chí đồng loạt công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng tại TP Hải Phòng giai đoạn 2010-2017 cho thấy rằng: hàng chục dự án đội vốn đầu tư, có dự án đội lên hàng nghìn tỉ đồng.

Trong đó, dự án cải tạo 2,2km có vốn đầu tư ban đầu khoảng 314,9 tỉ đồng, nhưng bị đội lên 1.310,9 tỉ đồng sau khi hoàn thành; dự án xây dựng công trình tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải bị đội vốn 2.250 tỉ đồng, từ 998,4 tỉ đồng lên 3.248,8 tỉ đồng; có dự án bị đội vốn gấp… 11 lần mức đầu tư phê duyệt ban đầu, từ 182,6 tỉ đồng tăng vọt lên… 2.082 tỉ đồng!

Và nhiều dự án khác cũng bị đội vốn từ vài chục đến hàng trăm tỉ đồng.

 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, chỉ với 8 dự án thực hiện trong giai đoạn 2010-2017 tại địa phương này, tổng số vốn bị đội thêm lên tới… 7.326 tỉ đồng.

Nhưng chuyện đội vốn không chỉ có ở Hải Phòng, cách đây không lâu, dân tình bàng hoàng khi hay tin dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình đã điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng, nhưng sau hơn 17 năm thi công, dự án này vẫn dang dở!

Cũng tại Ninh Bình, theo kết luận thanh tra tại 10/62 dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng của Thanh tra Chính phủ, tất cả các dự án đều bị đội vốn. Trong đó có dự án nạo vét lòng sông Đáy đoạn từ cầu Giám Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến qua sông Đáy nhằm thoát lũ Hoàng Long đã bị tăng thêm hơn 7.000 tỷ đồng…

Công bằng mà nói, không phải cứ dự án nào bị đội vốn so với dự tính ban đầu đều là do sai phạm, yếu kém. Có những dự án phải được điều chỉnh vốn so với mức được phê duyệt thời gian đầu thì mới triển khai được. Như câu chuyện ở Dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 (Tỉnh Hậu Giang).

Cụ thể, tổng vốn đầu tư theo Hợp đồng EPC hiện tại của dự án là 43 nghìn tỷ đồng (ký vào năm 2015) so với dự tính tổng vốn đầu tư được phê duyệt ở thời điểm đầu tháng 5/2011 (30 nghìn tỷ đồng) là có điều chỉnh cao hơn khoảng 10 nghìn tỷ đồng; chính điều này dẫn đến việc hiểu lầm rằng: dự án chậm triển khai nên bị đội vốn!

Nhưng, việc dự án được triển khai trễ so với dự tính ban đầu có nguyên nhân khách quan, chủ yếu là theo kế hoạch điều chỉnh quy hoạch điện của Chính phủ.

Còn về mức tổng vốn đầu tư có điều chỉnh so với thời điểm đầu năm 2011 thì nguyên nhân chính là vấn đề trượt giá, về thay đổi phương án đấu nối của dự án vào lưới điện quốc gia thay đổi từ 220kV lên 500kV,… Còn nếu tính theo Hợp đồng EPC ký năm 2015 thì hiện tại, dự án không bị đội vốn một đồng nào.

Ngược lại, cũng có những dự án bị đội vốn một cách… khó hiểu, đến mức có vị đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên rằng: cả thế giới khó có thể tìm thấy loại bột nở nào khủng khiếp như vậy.

Câu hỏi đặt ra là, liệu việc xin chủ trương đầu tư, tới khâu phê duyệt dự án cho tới khâu xin chấp thuận tăng vốn lên có dấu ấn nào của lợi ích nhóm, có biểu hiện của việc ăn chia hay không? Nếu không, tại sao các dự án đội vốn mới được chấp thuận dễ dàng như vậy? Ngoài ra, dự án bị đội vốn khủng còn có thể do trình độ của người xây dựng, dự toán chi phí quá yếu kém và hội đồng thẩm định dự án vô trách nhiệm, làm việc sơ sài.

Đằng sau mỗi dự án bị đội vốn đó là mỗi lần ngân sách bị thu hẹp, và số tiền “nở” ra càng lớn thì số lượng những công trình phúc lợi cho nhân dân càng bị “teo” đi.

Vì vậy, người đứng đầu dự án, các lãnh đạo liên đới trách nhiệm trong việc để dự án công đội vốn khủng cần phải chịu trách nhiệm và bị xử lý thì mọi việc mới mong có sự thay đổi được. Còn không, vẫn sẽ là tình trạng “cha chung không ai khóc” và nhiều người vẫn sẽ xem ngân sách nhà nước là một miếng bánh lớn mặc sức mà ăn!

Theo Công an nhân dân

Từ khóa : chi ngân sách saidự án đội vốndự án sai phạm

Các tin liên quan đến bài viết