Trảng cỏ Bù Lạch nằm ở thôn 7, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp diệu kỳ cùng với một nền văn hóa đa sắc tộc bao quanh như M’Nông, S’tiêng, Mạ… tạo nên một khung cảnh đặc sắc và hoang sơ. Để khai thác món quà tuyệt vời do thiên nhiên ban tặng, vừa qua chính quyền nơi đây đã phê duyệt đồ án quy hoạch Khu A – Khu phim trường kết hợp du lịch sinh thái thuộc Khu Du lịch Trảng cỏ Bù Lạch. Quyết định được kỳ vọng sẽ chắp cánh cho khu du lịch phát triển.
Sức hút khó cưỡng của Trảng cỏ Bù Lạch
Trảng cỏ Bù Lạch là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tham quan hít thở không khí trong lành trong những ngày rảnh rỗi. Trên con đường quốc lộ 14 đi Tây Nguyên, du khách có thể dừng chân ghé ngang qua Trảng cỏ Bù Lạch để đắm mình trong khí trời xanh trong, tung tăng chạy nhảy trên đám cỏ mềm mại với đôi chân trần. Bước chân vào khu trảng cỏ du khách sẽ trầm trồ thán phục trước những bãi cỏ non xanh mướt chạy dài cả một vùng rộng lớn. Cỏ ở đây không mọc được cao mà chỉ đến 4 – 5 cm là vàng héo và một lớp cỏ xanh khác lại tiếp tục ngoi lên. Những bãi cỏ cứ thế thay phiên nhau tạo cho khung cảnh ở đây thay đổi màu sắc liên tục từ xanh ngọc chuyển sang vàng rực trông rất đẹp mắt.
Một góc Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch |
Vào sâu bên trong, du khách sẽ thấy một mặt hồ trong xanh, êm dịu, những làn nước đu đưa nhẹ nhàng theo cơn gió. Nước trong bàu là những mạch nước ngầm từ rừng đổ về, thông với các bàu nước khác là những con suối nhỏ, cứ thế qua năm tháng nước trong bàu không bao giờ vơi cạn. Bao quanh khu trảng cỏ là những khu rừng nguyên sinh với những thân cây rộng lên đến 2-3 người ôm. Sâu bên trong cánh rừng già, du khách sẽ cảm nhận được một làn khí lạnh ùa về. Những buổi trưa nắng có thể dừng chân cảm nhận cái lạnh mát của khu rừng nguyên sinh khác với cái lạnh mát của những chiếc máy điều hòa trong phòng ấm. Nếu để ý thật kỹ, du khách sẽ thấy những nhành lan nhiều màu bám trên những cây cổ thụ to lớn. Với cảnh sắc thơ mộng, Trảng cỏ Bù Lạch sẽ mang đến những thú vui hoang dã hấp dẫn cho những du khách yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và thơ mộng.
Trảng cỏ Bù Lạch được phát âm chệch từ tiếng địa phương của người M’Nông nơi đây. Họ là người có lối sống hiền hòa, mộc mạc và giản dị, ẩm thực yêu thích là những sản vật tự nhiên của rừng như đọt mây, lá nhiếp và những con cá suối. Đọt của những dây mây rất được người dân yêu thích và quý hiếm vì phải đi vào sâu những khu rừng già sau Trảng cỏ Bù Lạch mới có thể lấy được. Đọt mây có vị đắng nhưng càng nhai lâu ta mới cảm nhận được vị ngọt lịm bên trong, có thể dùng để nấu canh bồi chung với lá nhiếp, hoặc nướng chấm muối ớt.
Nơi nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại
Trong chiến lược phát triển ngành du lịch, tỉnh Bình Phước đã ra quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 Khu A – Khu phim trường kết hợp du lịch sinh thái thuộc Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng với tổng diện tích 347 ha. Dự án bám sát đất rừng, đất trồng cây lâu năm. Cơ cấu sử dụng đất, khu bảo tồn tự thiên 125 ha, khu trảng cỏ tự nhiên 30 ha, khu phim trường 21 ha, đất dự trữ phát triển 76 ha, khu mặt nước 37 ha, giao thông 13 ha, khu khám phá thiên nhiên 6 ha, khu vui chơi giải trí 4 ha, khu nghỉ dưỡng 6 ha, khu làng văn hóa dân tộc 1,3 ha, khu công viên ngập nước 5 ha… UBND tỉnh đã giao cho Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước chủ trì phối hợp với các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư thực hiện dự án.
Lý do thực hiện quy hoạch, nhằm bảo tồn và tôn tạo Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch, xây dựng khu phim trường, khu du lịch phục vụ nhu cầu giải trí, du lịch sinh thái cho người dân hưởng thụ. Bên cạnh đó, hình thành một khu du lịch có cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết hợp các khu du lịch sinh thái khác của tỉnh tạo thành hệ thống các khu du lịch của địa phương. Mục tiêu thiết kế quy hoạch, tạo ra khu du lịch trên cơ sở thiên nhiên hiện có, phát huy các loại hình quy hoạch về du lịch, thương mại mang tính đặc thù, đồng thời kết nối với các khu du lịch khác của tỉnh như Khu du lịch núi Bà Rá, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo, Khu di tích Bộ chỉ huy miền Tà Thiết, hình thành hệ thống phát triển du lịch liên hoàn của tỉnh cũng như kết nối với các vùng lân cận, thúc đẩy du lịch phát triển, bảo lưu các giá trị văn hóa, giới thiệu cho bạn bè các tỉnh bạn về văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn Bình Phước. Đặc biệt, xây dựng khu phim trường theo hướng tận dụng và kết hợp với thiên nhiên cảnh quan của khu quy hoạch.
Một cuộc đua xe địa hình được tổ chức tại Trảng cỏ Bù Lạch |
Trảng cỏ Bù Lạch hứa hẹn không gian văn hóa đặc sắc từ khung cảnh thiên nhiên đến những con người dân tộc nơi đây. Về tổ chức không gian chính trong quy hoạch gồm các khu: tiếp đón, dã ngoại kết hợp du lịch khám phá, Resort nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, phim trường, khám phá thiên nhiên, trưng bày nông nghiệp, trảng cỏ tự nhiên, hồ nước, bãi đỗ xe, đất đầm lầy. Về mật độ xây dựng, do tính chất đặc thù của khu phim trường kết hợp du lịch nên có mật độ xây dựng thấp, trung bình các công trình nghỉ dưỡng khoảng 20-25%. Không gian quy hoạch cũng giới hạn tẩng cao của các công trình. Trong không gian phát triển dịch vụ du lịch kết hợp tham quan dã ngoại tầng cao các công trình xây dựng từ 1 – 2 tầng; công trình khách sạn từ 2 – 5 tầng. Theo thiết kế, sẽ có các không gian đặc thù như: không gian làng văn hóa có chức năng trưng bày, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn Bình Phước.
Về giao thông, do tính chất đây là khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái trên cơ sở thiên nhiên hiện có nên giao thông chính chủ yếu là các tuyến đường danh cho các phương tiện như xe điện, xe ngựa, xe đạp, đi bộ dã ngoại, không bố trí các phương tiện giao thông khác nên lộ giới thiết kế vừa phải, bám sát địa hình tự nhiên, đường bê tông lát đá là chính, kết hợp vơi đường đất hiện hữu.
Bùi Liêm