Gần 7 năm qua, hàng ngàn trẻ em mắc các khiếm khuyết về trí tuệ, vận động ở Đà Nẵng và các vùng lân cận được điều trị miễn phí nhờ phương pháp châm cứu.

Châm cứu miễn phí cho trẻ khuyết tật - Ảnh 1.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu châm cứu cho trẻ em khuyết tật tại Đà Nẵng

Việc làm này đã thay đổi không ít số phận của những đứa trẻ bất hạnh và gia đình các em.

Hơn 2 năm đưa con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ, tình cờ anh Huỳnh Hòa (huyện Trà My, Quảng Nam) biết đến hoạt động châm cứu miễn phí cho trẻ khuyết tật của Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Đà Nẵng.

Những thay đổi lớn

Anh Hòa cho biết: “Hầu hết các bệnh viện đều kết luận rằng con anh chỉ sử dụng các phương pháp phục hồi chức năng mới hi vọng tình trạng khá hơn nhưng đòi hỏi thời gian lâu dài và may mắn”.

 Năm 2012, anh biết tin có GS Nguyễn Tài Thu (chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) từ Hà Nội vào châm cứu miễn phí cho trẻ. Vợ chồng anh khăn gói đưa con ra Đà Nẵng với hi vọng cuối cùng giúp con được một phần như người bình thường.

Em Huỳnh Thị Mỹ Hảo (8 tuổi, con gái anh Hòa) bị liệt toàn thân do tai nạn. Dù gia đình dùng nhiều phương pháp nhưng tình trạng sức khỏe của em vẫn không tiến triển.

Sau đợt châm cứu thứ nhất do GS Nguyễn Tài Thu trực tiếp thực hiện, anh Hòa cùng vợ vỡ òa hạnh phúc khi thấy con có dấu hiệu cử động.

Sau ba ngày châm cứu, khi trở về Hà Nội, GS Nguyễn Tài Thu đã để lại phác đồ điều trị, ghi chú bệnh án của em Hảo cho các bác sĩ thuộc trung tâm theo dõi và điều trị.

“Con bé có tiến triển rõ rệt trong mấy tháng đầu, vợ chồng tôi càng quyết tâm. Hằng tuần dành 3 buổi đưa con đến bệnh viện để các bác sĩ châm cứu, theo dõi. Đến nay con bé đã vận động nhẹ được như người bình thường, tập đi từng bước chậm”- anh Hòa nói.

Mới đây trong tháng 10, GS Thu lại từ Hà Nội vào Đà Nẵng châm cứu miễn phí ba ngày ở Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Có một cảnh tượng khiến không ít người xúc động: em Đinh Trần Lâm (6 tuổi) bi bô mời cho bằng được ông ăn kẹo và hôn ông.

Một năm trước, Lâm chỉ có nhận thức, vận động như đứa trẻ 2 tuổi. Mẹ Lâm cho biết Lâm bị bệnh chậm vận động bẩm sinh. Gia đình đã chạy chữa nhiều nơi nhưng tình trạng vẫn không khá hơn.

Từ ngày được GS Thu châm cứu cùng các bác sĩ trung tâm điều trị, Lâm nói chuyện lanh lợi hơn, chân đi vững, bắt đầu hiểu những điều người đối diện nói.

Gần 7 năm qua, các y bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền với vai trò là những nhân viên của Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Đà Nẵng luôn theo sát trực tiếp châm cứu, chăm sóc cho hàng ngàn trẻ em khuyết tật như thế.

Điều đặc biệt là gia đình các em không phải chi trả bất kỳ một khoản chi phí nào.

Không chỉ châm cứu, chữa trị cho các em, các bác sĩ ở đây còn hướng dẫn gia đình cách chăm sóc trẻ khoa học để kết hợp với châm cứu đem lại hiệu quả cao.

Mong nhiều trẻ khuyết tật được chữa trị

Mỗi tuần Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Đà Nẵng sẽ có ba ngày thứ hai, tư, sáu châm cứu miễn phí cho các bệnh nhi. Đồng thời duy trì chăm sóc các em tàn tật và hướng dẫn cách chăm sóc trẻ cho phụ huynh.

Trung tâm hoạt động nhờ lực lượng y – bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng và dùng cơ sở vật chất ở chính bệnh viện này. GS Nguyễn Tài Thu (người sáng lập trung tâm) thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo cũng như cung cấp sách hướng dẫn phương pháp châm cứu cho các y – bác sĩ ở đây để họ trực tiếp thực hiện.

Ông Huỳnh Sự (phó giám đốc trung tâm) cho biết trung tâm dùng phương pháp châm cứu mãng châm để chữa trị cho các bệnh nhi. Đây là một trong những phương pháp châm cứu đang được tổ chức châm cứu thế giới cho là hiệu quả và khuyến khích giảng dạy, bồi dưỡng kỹ thuật để đưa vào việc điều trị tích cực cho các chứng bệnh đang chữa bằng châm cứu. Phương pháp này sử dụng kim châm to, dài giúp điều khí mạnh, xuyên kinh, xuyên huyệt đạo…

GS Thu cho biết: “Tôi chỉ mong muốn làm sao chữa được bệnh cho càng nhiều trẻ em khuyết tật càng tốt. Vì đa số các căn bệnh được cho là khuyết tật đều hiếm có nơi nào nhận chữa trị bởi không ai dám chắc kết quả có thành công hay không và nếu thành công thì phải mất thời gian bao lâu. Chưa kể chi phí để điều trị lâu dài là rất tốn kém nên gia đình các em khó lòng trụ nổi và thường bỏ cuộc”.

ThS.BS Nguyễn Văn Ánh – giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng – cho biết: “Việc chữa trị miễn phí cho trẻ khuyết tật là một việc làm nhân đạo, có ý nghĩa lớn cho xã hội nên phía bệnh viện đã tạo cơ sở vật chất, nhân lực hỗ trợ trung tâm duy trì công tác chữa bệnh cho các em”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bác sĩbệnh viện Y học cổ truyềnchâm cứuchữa trịĐà Nẵngđiều trịmiễn phítrẻ em khuyết tật

Các tin liên quan đến bài viết