Nhiều bộ phim truyền hình Việt gần đây khai thác đề tài về gia đình nhưng người xem phim lại khó tìm ra được tình thân trong các phim ấy.

Cây táo nở hoa và những trúc trắc tình thân trong phim Việt - Ảnh 1.

Bà mẹ trong phim Cây táo nở hoa gây bức xúc nhất trong khán giả

1. “Cháu đừng cố tình tìm người hợp với gia đình mình nữa. Rồi lại phải lấy lòng bà, giờ cháu chỉ lo hạnh phúc cá nhân thôi. Bà có sống giờ cũng chỉ muốn nhìn các cháu hạnh phúc”, bà Dần đã nói với cháu Long của mình khi nghe cháu bảo:

“Cháu chỉ có một bà nội thôi và không ai thay thế bà được”. Những câu thoại khiến khán giả thổn thức và nói đây mới đúng là “hương vị tình thân”, chứ từ trước đến giờ bộ phim này mang yếu tố “hương vị mưu mô” hay “hương vị tình yêu” nhiều hơn…

Có lẽ, tưởng chừng “quá đỗi bình thường” nhưng lời nói thấu tâm can của những người trong một gia đình vẫn dễ chạm đến trái tim khán giả, và giúp cho Hương vị tình thân tiếp tục ghi điểm với người xem.

2.Thời gian qua, phim truyền hình Việt có nhiều thay đổi. Bên cạnh dàn diễn viên đẹp, diễn xuất tốt, kịch bản một số phim được chú trọng hơn với các tình tiết được đẩy lên cao trào, nhiều chi tiết cài cắm… khiến người xem khó đoán nội dung.

Nhưng dường như mải chạy theo kịch tính nên chuyện phim không được kiểm soát chặt chẽ khiến người xem cảm thấy đôi chỗ phim như bị đi lạc ở đâu, khó tìm đường về. Có phim những tập đầu rất hay, nhưng phần sau lại dài dòng, gượng ép, vô lý, càng xem càng thấy không có chuyện gì để xem.

Cụ thể như Hãy nói lời yêu dù đã có một kết thúc tốt đẹp nhưng dõi theo gia đình bà Hoài – ông Tín, khán giả cảm thấy “tình thân” trong phim sao quá mệt mỏi bởi tình tiết đẩy bi kịch lên với hàng loạt sự kiện ngoại tình, đánh ghen, tự tử…

Còn trong Cây táo nở hoa, sợi dây tình thân được nối kết khá dị biệt. Một người mẹ không ngày nào nuôi dưỡng, suốt ngày bòn tiền con mình. Một người anh thương em nhưng quên đi trách nhiệm với vợ và con gái. Còn những người em lại toàn suy nghĩ nông cạn…

Trong cuộc sống vẫn có những thực tế: người anh dành hết tình thương, thậm chí hy sinh cả bản thân cho em của mình nhưng bị em đối xử không ra gì. Nên một thông điệp ngầm trong bức tranh muôn màu của cuộc sống là: chỉ trao tình yêu thương thôi vẫn chưa đủ, còn là chuyện dạy dỗ và nghệ thuật trao tình thương như thế nào để giúp các em thấu hiểu, tự đứng được trên đôi chân của mình.

Có lẽ, Cây táo nở hoa cũng muốn nói thông điệp này. Thế nhưng khi phim sắp kết thúc, hình ảnh anh Ngọc và những người em trong phim được xây dựng vẫn khiến nhiều khán giả mệt mỏi, bị ức chế bởi sự khiên cưỡng, thiếu tính nhân văn và cứ lòng vòng không lối thoát…

3. Một thực tế đang tồn tại là vì thiếu kịch bản nên nhà sản xuất phim Việt hiện đang mua khá nhiều kịch bản nước ngoài để làm lại. Hương vị tình thân và Cây táo nở hoa cũng nằm trong số đó.

Biên kịch Quách Thùy Nhung cho rằng: “Với dòng phim Việt hóa hoặc chuyển thể từ kịch bản hay tiểu thuyết nước ngoài, biên kịch, biên tập khi làm phải cân nhắc tới yếu tố văn hóa, luật pháp, ngôn từ, tính cách… Việc lựa chọn phim do “gu thẩm định” của từng nhà sản xuất”.

Một biên kịch nằm trong ban giám khảo Giải Cánh diều vàng năm nay cho biết xem các phim truyền hình tranh giải thấy khá lo lắng bởi thấy phim hiện ra một xã hội ở xứ nào chứ không phải tại Việt Nam.

Nguyên nhân một phần do phim có kịch bản nước ngoài, một phần do các biên kịch thiếu trải nghiệm cuộc sống thực tế, vì thế họ lượm lặt chi tiết trong mỗi phim của các nước một chút rồi thêm thắt biến thành một kịch bản mới.

“Anh em cạnh tranh nhau là có nhưng không khốc liệt, mất hết nhân tính như trong một số phim Việt. Nếu nhà làm phim bê nguyên câu chuyện ở nước khác vào là một sai lầm”, vị này nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Cây táo nở hoaphim Việt

Các tin liên quan đến bài viết