Khi bị sốt xuất huyết, nếu biết cách tận dụng thảo dược quanh nhà, kết hợp các bài thuốc Đông y cổ truyền sẽ giúp giải độc, hạ nhiệt nhanh cơn sốt, đồng thời nhanh chóng phục hồi chính khí cho cơ thể.
Rễ cỏ tranh, một trong số cây cỏ dễ tìm có tác dụng tốt chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
Hạ nhanh cơn sốt và giải phóng độc lực của vi rút bằng thảo dược
Nếu sống trong vùng dịch tễ sốt xuất huyết, hoặc đã bị muỗi đốt mà khởi phát cơn sốt cao đột ngột, liên tục (trên 38 độ C), cần nghĩ ngay đến sốt xuất huyết.
Theo y học cổ truyền, sốt xuất huyết được xếp vào nhóm ôn bệnh, do nhiệt độc tấn công gây bệnh. Đặc điểm của nhiệt tà là gây sốt cao đột ngột và duy trì tình trạng sốt cao khoảng 2-7 ngày, hầu như không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cơn sốt cao sẽ quay trở lại chỉ sau khoảng 2-3 giờ dùng thuốc.
Đông y đặc biệt có lợi thế để điều trị sốt xuất huyết ngay khi mới khởi bệnh. Thay vì dùng thuốc Tây hạ sốt, người bệnh có thể sử dụng rất nhiều loại cây cỏ xung quanh nhà để hạ nhiệt tận gốc và giải phóng độc lực của vi rút ra khỏi cơ thể.
Để thanh nhiệt, hạ sốt, dùng ngay các vị thuốc sau: lá cúc tần, củ sắn dây, lá dâu tằm, lá tre, rau má. Kết hợp thêm các vị: bồ công anh, cỏ mần trầu, kim ngân hoa, rễ cỏ tranh, râu bắp, mã đề, lá nhót, sài đất, xạ can, cối xay (sao vàng) để tăng công dụng giải độc.
Có thể tìm được loại nào sớm thì dùng ngay loại đó, kết hợp 2-3 loại sẽ tăng tác dụng hạ nhiệt, giải độc. Tùy điều kiện mà dùng ở dạng tươi hoặc khô đều được. Lượng dùng với thuốc khô từ 12-16g/ngày/người, thuốc tươi lượng gấp đôi.
Thuốc khô nên nấu với khoảng 1 lít nước và lửa nhỏ để lấy hết chất thuốc, uống 3-4 lần/ngày khi còn ấm. Với thuốc tươi nên xay hoặc giã, hòa với nước sôi, lọc lấy nước uống. Đồng thời tăng cường lượng nước uống trong ngày từ 2-3 lít.
Sốt xuất huyết còn thường kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi tay chân, sợ gió, ho, sổ mũi, thậm chí nhức đầu, đau bụng, ăn khó tiêu, không muốn ăn; xuất huyết dưới da, có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng.
Do đó cần quan tâm hơn đến chế độ ăn uống, nên ăn thức ăn dạng lỏng, nấu mềm, còn ấm, chia nhỏ bữa ăn.
Do có nhiều triệu chứng đi kèm sốt nên tốt nhất vẫn nên sử dụng nguyên bài thuốc với đầy đủ các vị quân thần tá sứ để tăng tác dụng trị bệnh. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có thể dùng một trong hai bài sau:
Bài 1: 12g lá cúc tần, 20g củ sắn dây (hoặc lá dâu tằm); cỏ nhọ nồi, rau má (hoặc khổ qua, dành dành, nhân trần, cúc hoa), mã đề, lá tre, trắc bá diệp (hoặc lá sen, kinh giới sao đen), mỗi vị đều 16g; gừng tươi 3 lát.
Bài 2: 20g cỏ nhọ nồi sao vàng (hoặc lá huyết dụ, hà thủ ô, kê huyết đằng, sinh địa), 12g kim ngân hoa (hoặc bồ công anh, cỏ mần trầu), 12g cối xay sao vàng, hoa hòe (hoặc trắc bá diệp, ngó sen), 20g rễ cỏ tranh (hoặc râu bắp, mã đề, lá nhót), 20g sài đất (hoặc xạ can), 12g hạ khô thảo (hoặc bồ công anh), 3 lát gừng tươi.
Hoặc chọn một trong hai bài sau (theo sách Ôn bệnh điều biện của danh y Ngô Cúc Thông):
Tang cúc ẩm: 12g lá dâu, 6g cát cánh, 12g cúc hoa, 8g mạch môn, 12g kim ngân hoa, 8g hoàng cầm, 12g liên kiều, 8g quả dành dành, 6g bạc hà.
Ngân kiều tán: 8g kim ngân hoa, 12g liên kiều, 12g kinh giới, 8g đậu xị, 10g bạc hà, 8g ngưu bàng tử, 12g trúc diệp, 8g cát cánh.
Mỗi ngày dùng 1 thang, sắc uống khi còn ấm. Trẻ em 15 tuổi trở lên dùng bằng liều người lớn. Trẻ từ 6 – 14 tuổi: 1/2 liều người lớn. Trẻ nhũ nhi đến 5 tuổi nên đến bệnh viện chuyên khoa.
Lưu ý: Khi sốt cao đột ngột mà chưa kịp chuẩn bị những loại thuốc như trên thì cần phải sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol để tránh nguy cơ bị co giật. Nếu có biểu hiện của sốc như chân tay lạnh, tím các đầu ngón; tụt huyết áp… cần nhanh chóng nhập viện điều trị.
Phục hồi chính khí sau sốt xuất huyết
Sau giai đoạn sốt, dù nặng hay nhẹ cơ thể ít nhiều đều bị tổn thương, đặc biệt là những người sức khỏe vốn đã kém. Biểu hiện thường gặp lúc này là mệt mỏi, chán ăn, da xanh, lưỡi nhợt.
Theo Tây y là do lượng huyết tương, chất điện giải, dung dịch keo mất đi; tuần hoàn cơ thể bị rối loạn. Theo Đông y là do phần âm, tân dịch và cả phần khí trong cơ thể đều bị hao hụt dẫn đến mất cân bằng âm – dương, khí – huyết.
Vì vậy cần có sự chăm sóc tích cực để bù đắp, nhằm tái lập sự cân bằng âm dương trong cơ thể, phục hồi chính khí. Bên cạnh thực đơn ăn uống đa dạng với những thực phẩm tươi, dễ tiêu hóa, uống thêm thuốc bổ dưỡng là cách nhanh nhất để phục hồi cơ thể.
Bát trân thang là bài thuốc có thể áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau; gồm các vị: nhân sâm, phục linh, bạch truật, đương quy, mỗi vị cùng 12g; thục địa, bạch thược, mỗi vị 10g; 8g xuyên khung, 6g cam thảo.
Hoặc dùng bài Bổ trung ích khí thang: nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật cùng 12g; thăng ma, trần bì, bạch linh cùng 8g; sài hồ 10g.
Nếu âm dịch bị hao hụt nhiều, cơ thể nóng bứt rứt, đổ mồ hôi khi ngủ thì kết hợp thêm bài thuốc Lục vị địa hoàng: 20g thục địa, 12g sơn thù, 12g hoài sơn; trạch tả, đơn bì, phục linh cùng 6g.
Mỗi ngày sắc uống 1 thang, sau ăn khoảng 1 giờ. Uống 1 đợt 7-10 thang. Nếu không có thời gian sắc có thể mua thuốc thành phẩm để uống. Nếu thuốc ở dạng hoàn sẽ có tác dụng chậm hơn nên cần uống tổi thiểu khoảng 1 tháng.
Nguồn: tuoitre.vn