Những cuộc biểu tình trên đường phố gần đây về kinh tế ở Iran cho thấy nước này có vẻ đang rất mong manh trước áp lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo tuyên bố Nhà Trắng đã tính toán sai lầm.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên Twitter đăng cảnh báo trực tiếp tới Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Chuyện này không có gì mới, bởi ông Trump đã không ít lần đưa ra đe dọa hoặc khuyến cáo. Nhưng lần này, ông Trump không đơn độc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có một bài phát biểu gay gắt chỉ trích Iran, và Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton tiết lộ “Tổng thống Trump nói với tôi, nếu Iran làm gì tiêu cực thì họ sẽ phải trả cái giá mà chỉ ít nước từng phải hứng chịu”.
Ảnh |
Theo tạp chí TIME, dường như, chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định về một cách tiếp cận hai mũi với Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015: Áp cấm vận nhằm bóp nghẹt kinh tế và hạ thấp uy tín chính phủ. Các đòn trừng phạt đã bắt đầu phát huy tác động. Đồng tiền Iran giảm giá 50% kể từ đầu năm nay, và các hãng châu Âu lần lượt rời đi. Từ khi các lệnh cấm vận về dầu lửa được thực thi, Iran tổn thất khoảng 700.000 thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày. Người dân bắt đầu cảm thấy ngột ngạt. Nhưng Iran không còn như trước.
Có một số chính phủ bị tê liệt khi đối mặt với sự giận dữ của dân chúng. Nhưng Iran không nằm trong số này. Và đó là một đất nước đầy tự hào. Người dân Iran thậm chí còn cảm thấy bị phản bội khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) hồi tháng 4/2018, với 67% số người được hỏi cho rằng đất nước họ “cần trả đũa” nếu Mỹ hành động vi phạm JCPOA chống lại Tehran.
Bên cạnh đó, với chính sách hiện thời, Washington còn khiến người Iran hiểu rằng vì Mỹ mà họ đang phải chịu đựng tình trạng kinh tế khốn khó hiện tại, chứ không phải vì năng lực của giới chức ở Tehran.
Iran còn nắm trong tay nhiều lợi thế địa chiến lược. Năm 2016, mỗi ngày khoảng 18,5 triệu thùng dầu được chuyển qua Eo biển Hormuz do Iran kiểm soát, chiếm gần 30% tổng dầu xuất khẩu được chuyển bằng đường biển trên toàn cầu; gần 1/5 tổng dầu nhập khẩu của Mỹ là từ Vịnh Ba Tư. Việc Iran kiểm soát Eo biển Hormuz cũng cho phép nước này có ảnh hưởng tiềm tàng đến giá dầu lửa thế giới. Đây là hải trình không thể thiếu trong chuỗi cung ứng dầu toàn cầu, nên nếu đóng cửa Eo biển sẽ khiến giá dầu vọt lên cao.
Chưa chắc chắn Iran có thể làm điều đó trên thực tế, nhưng nếu ông Trump tiếp tục gây sức ép thì Tehran có thể sẽ nổi đóa. Họ biết ông Trump quan tâm đến giá dầu, và nói đến các chuỗi cung ứng dầu toàn cầu thì Iran là một chủ thể quan trọng. Nhờ vậy nước này có nhiều lựa chọn – mà những nước khác không thể có được.
Cũng không giống như Bình Nhưỡng, Tehran có dấu ấn quân sự khá lớn ở bên ngoài biên giới quốc gia, giúp nước này có thể gây phức tạp cho chiến lược của Mỹ theo các cách khác nhau. Trong nhiều thập niên, Iran đã đào tạo và rót tiền cho nhiều phong trào hoạt động ở khắp Trung Đông, và có sự hiện diện đáng kể ở một số cuộc chiến khốc liệt trong khu vực: Yemen, Syria, Iraq và Lebanon. Nước Cộng hòa Hồi giáo cũng liên tục va chạm với Israel và Ảrập Xêút – hai nước đồng minh của Mỹ.
Trước sức ép của chính quyền Tổng thống Trump, Iran vẫn ở vị thế một đối thủ đáng gờm khó hạ gục. Chắc chắn, Tehran muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của mình như một phần của thế giới mà Mỹ đã đổ hàng triệu đôla và hàng nghìn sinh mạng vào để bình ổn.
Còn một thực tế nữa, đây là năm 2018 – thời mà các nước đều có công nghệ để tiến hành các cuộc chiến bất đối xứng ở mức độ chưa từng có tiền lệ. Iran lại là nước có lịch sử phát động các chiến dịch trên mạng. Năm 2012, tin tặc Iran đã thâm nhập một số ngân hàng Mỹ để trả đũa việc áp đặt cấp vận. Một năm sau đó, tin tặc Iran thậm chí chọc thủng một số hệ thống máy tính của Israel, theo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Năm 2017, trong khi JCPOA vẫn còn hiệu lực, các tin tặc Iran phát động một cuộc tấn công vào tài khoản email của các chính trị gia Anh, trong đó có một số thành viên Nội các và Thủ tướng Theresa May.
Nguồn: vietnamnet