Các chuyên gia đều thống nhất cho rằng phải cấp thiết mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu phát triển, trước mắt là chuyện thiếu bãi đỗ. Nếu cứ để sân bay này như hiện nay thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Càng sớm mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất càng đỡ thiệt hại
Hành khách xếp hàng dài chờ làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM

Ông Nguyễn Thành Trung (nguyên phó tổng giám đốc Vietnam Airlines):

Thiệt hại kinh tế 
có thể đo đếm: Chủ trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có từ nhiều năm rồi nhưng mãi vẫn không thực hiện, gây thiệt hại rất lớn. Hiện sân bay đang thiếu bãi đỗ nghiêm trọng khiến máy bay không thể xuống được. Bài toán thiệt hại kinh tế này hoàn toàn có thể đo đếm cụ thể. Một máy bay thương mại loại nhỏ hạ cánh phải trả phí cho sân bay ít nhất 20.000 USD/chuyến.Thậm chí chiếc máy bay chỉ có 8 chỗ ngồi của tư nhân Việt Nam hạ cánh xuống sân bay phải trả phí ít nhất 5.000 USD, trong khi chiếc máy bay 300 – 400 chỗ ngồi thì trả thế nào, đó là chưa nói đỗ qua đêm mất phí cao hơn nhiều. Sân bay Tân Sơn Nhất có hai đường băng, trung bình thông lệ quốc tế là hai phút lại có một chuyến xuống và chuyến lên. Một giờ sẽ có bao nhiêu chuyến? Một ngày sẽ có bao nhiêu chuyến? Nếu mở rộng được sân bay phải thu tiền được ít nhất gấp đôi hiện nay. Số tiền này là triệu đô mỗi ngày. Chế độ Sài Gòn từng tính mở rộng nhà ga quốc tế sang khu vực đất quân sự với 100 bãi đỗ và đường lăn để tận dụng hết lợi thế Tân Sơn Nhất trên trục bay quốc tế tấp nập, nhưng chiến tranh khiến họ không thể làm được. Chúng tôi đã thử tính chỉ cần mở rộng được sân bay Tân Sơn Nhất, phục vụ được gấp đôi lượng khách trong 10 năm sẽ thu đủ tiền thừa sức làm sân bay Long Thành. Lấy sân bay đầu tư cho sân bay. Giờ không còn là lúc ngồi họp bàn nên mở rộng Tân Sơn Nhất thế nào mà cần phải làm ngay, làm thật nhanh chóng. Quỹ đất bay vẫn còn rất rộng đang nằm bên quân đội, kể cả diện tích chưa dùng cho mục đích quân sự. Chính phủ và Bộ Quốc phòng cần tính toán lại thiệt hơn, thật ra hiện nay chúng ta đâu thiếu sân bay quân sự. Tân Sơn Nhất vẫn còn cần thêm nhiều diện tích nữa để mở rộng nhà ga quốc tế, bãi đỗ, đường lăn và mở thêm cổng vào phía đường Trường Chinh, giúp giảm tải cho đường Trường Sơn.
Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường – cảng TP.HCM):
Điều chỉnh đất 
quốc phòng: Cần điều chỉnh đất quốc phòng thành đất dân sự để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nhất là nên dẹp sân golf trong sân bay này để phục vụ nhu cầu cấp thiết. Nếu không cấp thời mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì sẽ gây ra nhiều thiệt hại khi các hãng hàng không buộc phải đưa máy bay về đậu tạm ở sân bay Cần Thơ, đó là chưa kể nguy cơ có thể xảy ra tai nạn hàng không do có thêm nhiều chuyến bay lên – xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài những điều nói trên, tôi đề nghị ngành hàng không cần tính toán mở rộng thêm nhà ga đón khách ở đường Hoàng Hoa Thám, thay vì chỉ đi vào con đường độc đạo Trường Sơn. Đồng thời phải giải tỏa nhà lấn chiếm kênh rạch khu vực xung quanh sân bay để giải quyết ngập nước ở sân bay này.
TS Trần Quang Thắng (viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM):
Thực hiện càng nhanh càng tốt: Tình trạng ùn tắc, kẹt xe xung quanh sân bay đang gây trở ngại trực tiếp tới hoạt động vận tải hàng không, làm mất mỹ quan TP.HCM cũng như cản trở sự phát triển kinh tế. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian sắp tới. Trước đây, việc mở rộng khó khăn do còn nhiều vấn đề liên quan đến giải tỏa khu đất của Bộ Quốc phòng. Đến nay, Bộ Quốc phòng đã thống nhất hỗ trợ TP một phần diện tích đất mở rộng sân bay, chúng ta cần thực hiện càng sớm càng tốt. TP cũng cần có kế hoạch mở rộng các tuyến đường xung quanh sân bay, các đường nhánh, đường kết nối, xây hồ chứa nước chống ngập trong sân bay. Bốn trạm xăng xung quanh khu vực sân bay cần được giải tỏa, di dời đi nơi khác để tránh nguy hiểm, ảnh hưởng hoạt động hàng không.

Thêm một hãng hàng không được đề nghị cấp phép: Cục Hàng không Việt Nam vừa đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng chấp thuận cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung cho Công ty cổ phần dịch vụ bay và du lịch biển Tân Cảng (gọi tắt là Công ty Tân Cảng, được thành lập tháng 3-2016, trụ sở tại 722 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Cục Hàng không cho biết Công ty Tân Cảng có đủ các điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung.Theo kế hoạch khai thác, Công ty Tân Cảng sẽ sử dụng 2 máy bay cánh bằng loại nhỏ, hoặc trực thăng vào năm 2018 khai thác phục vụ du lịch tại khu vực Nam Trung bộ. Về lâu dài, hãng sẽ cung cấp dịch vụ hàng không chung với các loại hình như bay taxi, phục vụ khách du lịch, bay khảo sát địa chất, chụp ảnh bản đồ, bay cứu thương…Luật hàng không dân dụng Việt Nam quy định hoạt động hàng không chung là hoạt động sử dụng máy bay để thực hiện chuyến bay trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực kinh tế khác; phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ, y tế, nghiên cứu khoa học, chụp ảnh, quay phim…Hiện Việt Nam đang có 4 hãng hàng không có giấy phép kinh doanh hàng không chung là Hải Âu, Globaltransair, Hành Tinh Xanh, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam. Ba trong số bốn hãng trên có hoạt động bay với đội bay gồm 5 máy bay cánh bằng loại nhỏ và 31 trực thăng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : công ty Tân Cảngmáy baysân bay

Các tin liên quan đến bài viết