Riêng ngành dệt may, Canada đã xóa bỏ phần lớn thuế quan cho Việt Nam ngay khi hiệp định CPTPP có hiệu lực và sẽ chính thức xóa bỏ 100% vào năm thứ 4, tức đúng năm 2023.

Dệt may là mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang Canada của Việt Nam trong năm 2022 - Ảnh: Reuters

Dệt may là mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang Canada của Việt Nam trong năm 2022 

Đã 4 năm trôi qua tính từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để tận dụng hiệp định này và mở rộng thị trường mà đặc biệt là các điểm đến mới như Canada.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, hàng dệt may là mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang Canada trong năm 2022.

Việt Nam là nền kinh tế mang đến cho Canada cơ hội lớn trong thương mại hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là khi khả năng tiếp cận thị trường này đã được củng cố nhờ CPTPP.

Bà Pirkko Penttila

Nhiều tiềm năng cho dệt may Việt

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Canada trong năm 2022 là 1,3 tỉ USD, tăng 40,3% so với năm 2021 và chiếm 20,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này. Hiệp định CPTPP được đánh giá là động lực thúc đẩy xu hướng trên.

Dù vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam hồi cuối năm ngoái dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của ngành dệt may Việt Nam ước đạt tới 44 – 44,5 tỉ USD. Điều này cho thấy thị trường Canada thực chất chiếm tỉ trọng còn khiêm tốn trong hoạt động xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Trong một hội thảo về CPTPP hôm 17-2, ông Đặng Thái Thiện, phó trưởng phòng giám sát quản lý (Cục Hải quan TP.HCM), cho biết nhìn chung “nhập khẩu từ Việt Nam vào Canada chỉ chiếm chưa đến 2% trong tổng thị trường nhập khẩu của Canada”.

“Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy Canada là thị trường đầy tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt”, ông lưu ý.

“Cơ hội không có mãi mãi”, ông Thiện nhấn mạnh cần sớm chớp lấy thời cơ mà CPTPP đem lại cho doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Thiện lưu ý Canada cũng đang đàm phán rất nhiều hiệp định khác với các quốc gia tại ASEAN. Câu hỏi lớn hiện nay là liệu Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước ASEAN khác hay không, sau khi những hiệp định này ra đời.

Trong CPTPP, cam kết của Canada đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam là 94,5% dòng thuế được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương với 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Tỉ lệ này tăng lên 96,3% từ năm thứ 4, tương đương 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam.

Riêng ngành dệt may, Canada đã xóa bỏ phần lớn thuế quan cho Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực và sẽ chính thức xóa bỏ 100% vào năm thứ 4, tức đúng năm 2023.

Biểu đồ nhập khẩu của Canada theo quốc gia trong năm 2022 - Nguồn: Trading Economics/UN Comtrade - Dữ liệu: Nguyên Hạnh - Đồ họa: T.ĐẠT

Biểu đồ nhập khẩu của Canada theo quốc gia trong năm 2022 – Nguồn: Trading Economics/UN Comtrade

Canada chủ động tìm bạn hàng ở Việt Nam

Ông Phạm Quang Anh, tổng giám đốc Công ty may mặc Dony, đã từng tìm hiểu về CPTPP khi hiệp định này có hiệu lực vào năm 2019, nhưng sau đó lại ít quan tâm.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Anh cho hay vấn đề giá cả là mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp trong làm ăn. “Doanh nghiệp cần tới các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho những hợp đồng lớn. Nhưng với những hợp đồng này, việc chênh lệch 1 đồng so với giá của đối thủ cũng khiến chúng tôi đau đầu”, ông nói.

Để đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ của CPTPP, các doanh nghiệp dệt may như của ông Anh có thể phải thay đổi nguồn đầu vào và vì thế mất mức giá cạnh tranh so với các đối thủ khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Quang Anh đã quay lại tìm hiểu lại về CPTPP sau khi có nhiều khách hàng ở Canada tìm tới mình. “Tôi ban đầu thấy rất lạ, vì dòng khách hàng này trước đây gần như không bao giờ có. Nhưng sau khi tìm hiểu, tôi phát hiện họ tìm tới vì các ưu đãi đặc biệt của CPTPP”, ông nói.

Theo thống kê của Chính phủ Canada, trong giai đoạn 2021 – 2022, xuất khẩu của Canada tới thị trường các nước CPTPP tăng 22%.

Cũng tại hội thảo ngày 17-2, bà Pirkko Penttila, điều phối viên khu vực về các vấn đề CPTPP của Canada, cho biết ASEAN hiện là trọng tâm chính của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của quốc gia này. “Canada đã có FTA với một số thành viên CPTPP như Mexico, Chile và Peru. Nhưng trong CPTPP cũng có một số nhân tố thay đổi cuộc chơi, điển hình như Việt Nam”, bà Penttila nhận định.

Theo bà Penttila, CPTPP là một thỏa thuận mang lại khả năng tiếp cận thị trường ưu đãi cho các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bà cho rằng chúng ta thường nghĩ đến hiệp định này ở khía cạnh thương mại, ví dụ như loại bỏ các loại thuế quan, nhưng hiệp định này còn hơn thế nữa.

“CPTPP bao quát mọi lĩnh vực và khía cạnh của thương mại nhằm loại bỏ mọi rào cản đối với hoạt động thương mại, giúp tạo ra một môi trường công bằng, minh bạch và nhất quán giữa các thị trường nội khối”, bà giải thích.

Bà Penttila khẳng định Canada rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam, đối tác thương mại lớn nhất của nước này tại Đông Nam Á. Theo bà, việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada càng đặc biệt hơn trong bối cảnh 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : dệt may Việtdoanh nghiệp Việt Nam

Các tin liên quan đến bài viết