Bộ Y tế Campuchia sáng 6-5 thông báo ghi nhận 650 ca COVID-19 trong 24 giờ qua. Trong khi đó thủ đô Phnom Penh vừa dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 21 ngày.

Campuchia: Cả nước thêm 650 ca COVID-19, Phnom Penh dỡ phong tỏa trong lo lắng - Ảnh 1.

Người dân Phnom Penh nhận nhu yếu phẩm do chính quyền cung cấp 

Báo Khmer Times dẫn thông tin từ Bộ Y tế cho biết có 650 ca bệnh mới trên cả nước, nâng tổng số ca bệnh lên 17.621 ca. Tin vui là có tới 739 người đã khỏi bệnh và chỉ có 4 ca tử vong mới được ghi nhận.

Báo Khmer Times nhận định còn thiếu thông tin chính xác về số ca bệnh ở các tỉnh cũng như chi tiết về các ca tử vong. Đây sẽ là một thách thức đối với chính quyền cũng như truyền thông Campuchia trong việc góp phần ngăn chặn đại dịch.

Cũng trong hôm nay 6-5, thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmau tỉnh Kandal chính thức dỡ phong tỏa sau 3 tuần. Lệnh giới nghiêm vẫn được giữ từ 20h tới 3h ngày hôm sau.

Một quan chức cấp cao ở Phnom Penh nhận định hiện giờ vẫn chưa đủ an toàn để mở cửa các chợ lớn hay các chợ tự phát tại thủ đô.

Trong cuộc họp báo sáng nay, Đô phó Phnom Penh Keut Che nói rằng chính quyền sẽ chưa mở cửa chợ do đây được xem là khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao.

Campuchia: Cả nước thêm 650 ca COVID-19, Phnom Penh dỡ phong tỏa trong lo lắng - Ảnh 2.

Một ngôi chợ ở Phnom Penh 

“Những tiểu thương ngồi sát nhau và người tiêu dùng cũng có thể bị lây bệnh. Khi tình hình tốt hơn chúng tôi sẽ đề xuất với Đô trưởng Khung Sreng để mở cửa chợ”, ông Keut Che nói.

Ông Che yêu cầu mọi người hiểu và hợp tác, cũng như đề nghị người dân mua nhu yếu phẩm trực tuyến hay các cửa hàng di động.

Các nhà máy và doanh nghiệp tại khu vực có tỉ lệ mắc COVID-19 thấp đã được phép hoạt động trở lại sau phong tỏa nhưng với điều kiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống COVID-19.

Campuchia: Cả nước thêm 650 ca COVID-19, Phnom Penh dỡ phong tỏa trong lo lắng - Ảnh 3.

Công nhân nhà máy đã đi làm lại nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch

Campuchia đã tiêm vắc xin cho 15% dân số

Một số nhà máy hoạt động nhưng chỉ cho công nhân đã tiêm vắc xin vào làm việc. Cho đến nay, đã có 1,5 triệu người, tương đương 15% dân số Campuchia, được tiêm vắc xin COVID-19, theo Thủ tướng Hun Sen.

Ông Hun Sen nói chính quyền đang ưu tiên tiêm chủng cho người trưởng thành ở các khu vực có tỉ lệ mắc bệnh cao. Chính phủ đã lên kế hoạch tiêm phòng cho ít nhất 10 triệu người.

Thủ tướng Hun Sen nói thêm các đội quân y đang tăng tốc tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành trong các vùng đỏ (red zone), những khu vực bùng phát dịch nghiêm trọng ở nước này.

Campuchia: Cả nước thêm 650 ca COVID-19, Phnom Penh dỡ phong tỏa trong lo lắng - Ảnh 4.

Tiêm vắc xin COVID-19 ở Phnom Penh 

Xứ chùa tháp cũng lên kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho ít nhất 10 triệu dân. Hồi tháng 4, Campuchia xếp thứ hai trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore, về tỉ lệ dân số được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Theo thống kê của Hãng tin Reuters, đến nay Thái Lan đã phân phối ít nhất 1,57 triệu liều vắc xin COVID-19. Giả sử mỗi người cần hai liều, số vắc xin này đủ để tiêm cho khoảng 1,1% dân số Thái Lan.

Còn Singapore, với 2,21 triệu liều đã được phân phối tính tới ngày 18-4-2021, nước này đã tiêm cho 19,4% trong tổng số khoảng 5,7 triệu dân, theo Hãng tin Bloomberg.

Với các nước khác tại Đông Nam Á, thống kê của Reuters cho thấy: Indonesia đã phân phối 20,7 triệu liều (tiêm 3,8% dân số), Malaysia phân phối 1,5 triệu liều (tiêm 2,3% dân số), Philippines phân phối 1,99 triệu liều (đủ tiêm 0,9% dân số).

Trong khi đó, Lào phân phối 184.387 liều vắc xin COVID-19 (tiêm 1,3% dân số), Brunei phân phối ít nhất 10.715 liều (tiêm 1,2% dân số), Myanmar phân phối 1 triệu liều (1% dân số).

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, tính đến sáng 5-5, cả nước đã có 585.539 người được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : campuchiaChợCOVID-19Dỡ phong tỏaGiờ giới nghiêmnhu yếu phẩmPhnom PenhPhong Tỏa

Các tin liên quan đến bài viết