Đến thời điểm hiện tại TP.HCM đã vượt qua Bắc Giang trở thành địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước với hơn 6.200 ca nhiễm và hàng chục nghìn trường hợp được xác định là F1.
Trước tình trạng F1 quá đông, các khu cách ly chật chội, Bộ Y tế đã cho thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM. Theo hướng dẫn việc cách ly tại nhà phải đảm bảo các điều kiện như – nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập).
Nhà cho F1 cách ly phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe…
Ảnh minh họa. |
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng trước tình hình dịch tại TP.HCM hay Bình Dương, Đồng Nai thì việc cách ly y tế tại nhà rất cần triển khai để giảm bớt quá tải cho các khu cách ly tập trung.
Nhưng để đảm bảo an toàn cách ly tại nhà, cần tuyên truyền để người trong gia đình có thành viên là F1 hiểu biết cơ bản về dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm và tất cả thành viên đều có thái độ nghiêm túc trong việc thực hiện các hướng dẫn, quy định.
‘Việc cách ly tại nhà cũng không nhất thiết cần phải yêu cầu là nhà riêng có nhiều phòng, nhà biệt thự, liền kề, mà chỉ cần có phòng riêng cho người được cách ly là được’, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương nêu quan điểm.
‘Phòng có cửa sổ phải đóng cửa để đảm bảo cho môi trường xung quanh. Có người chăm sóc cơm, nước cho người cách ly. Ngoài ra, có thể đặt camera giám sát người cách ly’.
Thực tế hiện nay người dân thành phố chủ yếu sống tại chung cư, nhà ống, yêu cầu cách ly F1 tại nhà phải là nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà ở độc lập thì rất khó đáp ứng.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, ngoài ra cần lựa chọn các F1 ít nguy cơ (ví dụ chỉ ghé qua nhau, tiếp xúc ít) để lựa chọn thực hiện cách ly y tế tại nhà.
Trường hợp F1 có điều kiện cũng có thể xem xét cho họ cách ly tự nguyện tại khách sạn, nhà khách nếu có đủ điều kiện. Ví dụ như phía khách sạn được cơ quan ý tế cấp phép cách ly y tế và người cách ly vẫn phải tuân thủ nghiêm các quy định cách ly y tế như các trường hợp cách ly khác.
PGS Nhung cho biết ở 3 làn sóng Covid-19 trước chúng ta đã thực hiện thành công 4 chiến lược đó là phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, và điều trị tích cực hiệu quả.
Chính vì thế, đến hiện tại việc “cắt đuôi” ở giai đoạn này sẽ rất khó so với giai đoạn trước. PGS Nhung cho biết từ thực tế tại các địa phương thì chúng ta cần có các phương án cách ly, phong tỏa… phù hợp với thực tiễn, có thể các giải pháp trước không còn phù hợp.
Trước ý kiến không chỉ cách ly F1 tại nhà, có nên theo dõi trường hợp F0 không có triệu chứng cách ly tại nhà như các nước đã thực hiện, PGS Nhung cho rằng chúng ta có thể cân nhắc, xem xét nhưng hiện tại số ca F0 có thể phân chia điều trị theo mức độ nặng nhẹ. Hiện có tới 55 % trường hợp F0 không có triệu chứng biểu hiện của bệnh, họ chỉ như người mang virus.
Khi các F0 không có triệu chứng được cách ly tại nhà, nhân lực và hệ thống y tế sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực để điều trị các bệnh nhân khác. Bởi vì hiện tại chúng ta không chỉ tập trung cho bệnh nhân Covid-19 mà còn rất nhiều bệnh khác cũng rất nguy hiểm đến tính mạng con người nếu không được nhập viện hoặc không có đủ thiết bị điều trị, đặc biệt là máy thở, chứ không chỉ là các bệnh nhân Covid-19 – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói.
TS. Võ Xuân Sơn cho rằng với quy định cách ly F1 tại nhà thì số F1 đạt tiêu chuẩn cách ly tại nhà rất ít vì điều kiện rất ngặt nghèo. Khi có thông báo F1 có thể cách ly tại nhà ai cũng mừng nhưng đến khi có hướng dẫn cụ thể thì rất ít người đáp ứng đủ điều kiện.
Một bác sĩ chuyên về bệnh nhiệt đới công tác tại bệnh viện tuyến Trung ương cho rằng, theo hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly y tế F1 tại nhà, ở TP.HCM có rất ít người đáp ứng được.
Theo vị bác sĩ này, điều quan trọng nhất là cần đưa ra hướng dẫn, quy tắc khi cách ly cũng như chế tài phạt nếu F1 vi phạm quy chế cách ly.
‘Chúng ta nên đưa ra chế tài phạt nghiêm khắc, ví dụ nếu người cách ly vi phạm, ra khỏi cửa, hệ thống công nghệ thông tin hoặc tổ giám sát cộng đồng phát hiện, F1 bị phạt ngay 100 triệu đồng thì họ sẽ không dám vi phạm việc tự cách ly’, ông nói.
‘Còn về quy định ngoài phòng riêng để cách ly F1, còn cần thêm phòng riêng để nhân viên y tế đến khám thì là thật sự… khó.
Nếu quy định đưa ra không ai hoặc rất ít người đáp ứng được thì cần xem xét, điều chỉnh cho phù hợp’, vị bác sĩ bệnh nhiệt đới nêu ý kiến.
Nguồn: vietnamnet