Biến thể mới, dễ lây lan hơn của virus corona được phát hiện đầu tiên ở Anh đã khiến nhiều nước vội vã đóng cửa biên giới để chặn sự lây lan.
Ít nhất 33 quốc gia đã phát hiện sự hiện diện của biến thể mới này. Dù đã có vắc-xin nhưng tình hình trong tháng 1 trên toàn cầu vẫn u ám khi virus corona bùng phát trở lại và tái định hình từ Anh tới Nhật, Mỹ, lấp đầy bệnh nhân vào các bệnh viện, đe dọa cuộc sống, buộc chính phủ các nước phải dừng các hoạt động kinh doanh và chạy đua tìm giải pháp.
Anh đã phong tỏa trở lại, chặt chẽ hơn trong vòng một tháng rưỡi, bắt đầu từ 6/1 đến giữa tháng 2. Các bệnh viện tại Mexico City phải chứa nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 hơn bao giờ hết. Đức thông báo số ca tử vong do Covid-19 cao kỷ lục. Nam Phi và Brazil vật lộn tìm không gian cho người chết. Ngay cả Thái Lan – từng là hình mẫu chặn dịch thành công cũng đang phải chiến đấu với làn sóng lây nhiễm bất ngờ.
Trong khi Anh đưa ra loại vắc-xin ngừa Covid-19 thứ hai trong tuần này và một số bang ở Mỹ bắt đầu tiêm mũi vắc-xin thứ hai, khả năng tiếp cận vắc-xin trên toàn cầu vẫn rất không đồng đều. Nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu cần thiết để đánh bại loại virus đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,85 triệu người.
“Chúng tôi đang trong cuộc đua ngăn chặn lây nhiễm, giảm các ca bệnh, bảo vệ hệ thống y tế và cứu sống người bệnh trong khi đưa ra hai loại vắc-xin an toàn và hữu hiệu cho các nhóm dân số có nguy cơ cao. Việc này không hề dễ dàng. Đây là khoảng thời gian khó khăn”, AP dẫn lời tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom nói.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson thông báo các biện pháp phong tỏa triệt để, chặt chẽ hơn cả đợt phong tỏa mùa xuân 2020 để khống chế biến thế mới của virus corona, vốn có tốc độ lây lan nhanh hơn 50-70%. Theo đó, các trường học, nhà hàng và các cửa hàng không cần thiết bị đóng cửa. Trên thực tế, biện pháp này là nâng từ mức 4 lên mức 5, tức là phong tỏa toàn bộ. So với mức 4 lúc trước, mức độ hạn chế cao hơn rất nhiều, trong đó rõ rệt nhất là hạn chế đi lại: từ chỗ chỉ trong khu vực bị hạn chế trước kia, việc đi lại từ vài trăm dặm bị rút xuống vài dặm xung quanh nơi ở của mỗi người.
Ở các quốc gia khác tại châu Âu, Italia và Đức đã kéo dài phong tỏa dịp Giáng sinh, Tây Ban Nha hạn chế đi lại, Đan Mạch hạn chế số người tập trung nơi công cộng từ 10 xuống còn 5 người. Pháp sẽ công bố các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn vào ngày mai (7/1), Ukraina cũng đóng cửa trường học và nhà hàng từ ngày 8/1.
Tại khu vực Mỹ Latinh, một số chuyên gia cảnh báo tình trạng tồi tệ sẽ sớm xảy ra. Để ngăn chặn virus corona lây lan sau các bữa tiệc và hoạt động chào đón năm mới bất chấp các quy định giãn cách xã hội, Zimbabwe đã tái áp dụng lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập nơi công cộng và tạm thời chưa mở cửa lại các trường học. Tại Nam Phi – nơi đang đối mặt với những biến thể mới của virus và là nước bị đại dịch Covid-19 tấn công mạnh nhất lục địa, nhà chức trách đã tái áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm bán rượu và đóng cửa hầu hết các bãi biển.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà tang lễ quốc gia Nam Phi Muzi Hlengwa nói với đài SABC rằng Nam Phi đang phải đối mặt với số ca tử vong tăng cao. “Đó là thứ mà bạn chưa từng chứng kiến trước đó bao giờ…Chúng tôi hết sạch quan tài cũng như huyệt mộ tại các nghĩa trang”.
Đại dịch Covid-19 đang vươn xa tới cả những nước dường như đã kiểm soát được virus corona.
Thái Lan đang đối mặt với số ca lây nhiễm tăng trong vài tuần qua. Hiện, chính phủ nước này đã phong tỏa nhiều khu vực, gồm cả Bangkok và đang cân nhắc áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn.
Nhật Bản cũng đang xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong tuần này, đẩy mạnh kiểm soát biên giới và phê chuẩn vắc-xin sau khi các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt vào thời điểm cuối năm vừa qua.
Tại Trung Quốc, nhà chức trách đóng cửa trường học sớm hơn mọi năm trước thềm Tết âm lịch và yêu cầu lao động di cư không về quê, du khách tránh tới Bắc Kinh.
Nguồn: vietnamnet