Nhiều tỉnh thành miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên những ngày gần đây lại đang đối diện thực trạng số ca nhiễm COVID-19 ngày một tăng.
Tuy vậy, điểm chung của các địa phương này là tỉ lệ tiêm vắc xin còn khá thấp nên đang căng mình ứng phó.
Ca nhiễm tăng nhanh, nhiều nơi phải “đổi màu”
Tại Bạc Liêu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết trong ngày 30-10 tỉnh ghi nhận 404 trường hợp mắc COVID-19 và đây là số ca nhiều nhất được ghi nhận trong một ngày của tỉnh trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Vì thế, từ 0h hôm nay 31-10, xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu) và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) đã phải “đổi màu” từ vùng vàng (cấp 2) lên vùng đỏ (cấp 4).
Tại Sóc Trăng, trong hai ngày 28 và 29-10, tỉnh này ghi nhận 370 ca mắc COVID-19, trong đó có 80 ca ghi nhận qua sàng lọc cộng đồng.
Tại An Giang đã ghi nhận 10.636 trường hợp dương tính, trong đó có 1.134 ca về từ các vùng dịch. Huyện Chợ Mới là địa phương có số ca nhiễm diễn biến phức tạp nên đã ký quyết định về việc công bố tạm thời cấp độ 3 (màu cam) thay cho cấp độ 2 (màu vàng).
Tại Cần Thơ, số ca mắc mỗi ngày từ ngày 20-10 đến nay luôn tăng lên 3 con số, ngày cao nhất là 28-10 với 250 ca mắc mới. Trước tình hình đó, tại một số khu vực, UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu các địa phương đánh giá lại cấp độ dịch.
Theo hướng dẫn mới từ 9h ngày 1-11 TP Cần Thơ sẽ thực hiện các hướng dẫn theo cấp độ dịch cấp 2 (hiện là cấp độ 1); trong đó chia nhỏ ra các vùng xã/phường, quận/huyện các cấp độ dịch khác nhau để siết lại các biện pháp phòng dịch trong khu vực sản xuất, kinh doanh…
Quyết liệt ứng phó
Trước diễn biến phức tạp kể trên, các tỉnh miền Tây đã tăng cường các giải pháp ứng phó. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã yêu cầu cán bộ, công nhân, viên chức hạn chế đến nơi công cộng và báo cáo cấp trên khi đi ra khỏi tỉnh. Cùng với đó người dân từ các tỉnh, thành phố về Sóc Trăng được đề nghị chủ động đến các cơ sở y tế khai báo và xét nghiệm nhanh.
Tại Bạc Liêu, tỉnh này đã thành lập 3 cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại huyện Hồng Dân (2 cơ sở) và thành phố Bạc Liêu. Các xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch là cấp 3 và cấp 4 sẽ có các chốt kiểm soát, chỉ người đã tiêm vắc xin hoặc bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh mới được phép ra đường.
Dự kiến trong ngày 1-11, UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, xã để đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hướng dẫn các địa phương trong tỉnh việc cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 và một số nội dung về công tác phòng chống dịch.
Trong khi đó, UBND tỉnh An Giang cũng quy định tạm thời áp dụng hình thức bán hàng mang đi, không phục vụ tại chỗ trên địa bàn thành phố Long Xuyên (dù thành phố này thuộc cấp độ 1) kể từ 5h hôm nay 31-10.
Ông Phạm Phú Trường Giang – phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ – nhận định cùng với việc chuyển qua trạng thái bình thường mới, ý thức người dân còn chủ quan, nhiều nơi nhiều người “quên” 5K, nhất là ở các quán ăn, quán nhậu…
Sau khi có hướng dẫn mới nâng mức độ dịch lên cấp 2, các quận huyện cần tập trung nhắc nhở việc các quán ăn uống phục vụ tại chỗ chỉ được bán 50% công suất, bố trí bàn giữ khoảng cách 2m và không bán rượu bia, thức uống có cồn tại chỗ.
Phần lớn chỉ mới tiêm 1 mũi vắc xin
Bạc Liêu hiện là tỉnh có tỉ lệ tiêm vắc xin thấp của khu vực ĐBSCL khi mũi 1 chỉ đạt khoảng 60,65%, mũi 2 mới ở mức 15,44%. Tại An Giang, tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 1 của tỉnh này là 88%, mũi 2 đạt 13%.
Sóc Trăng có 83,34% người được tiêm mũi 1 và 15,6% được tiêm mũi 2. Tại Cần Thơ, số người đã tiêm mũi 1 là 93% (tính trên dân số thì hơn 70%), mũi 2 mới đạt 20,7% dân số, trong đó người trên 65 tuổi tiêm đủ 2 mũi chỉ đạt 36,4%.
Các địa phương cho biết sẽ đẩy nhanh việc tiêm vắc xin, trong đó tại Cần Thơ sẽ tiêm vắc xin AstraZeneca mũi 2 sau 6 tuần đã tiêm mũi 1.
Từ hai ca lây nhiễm là học sinh, toàn bộ học sinh, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân phải cách ly tại chỗ
* Đắk Lắk: 193 ca/100.000 dân, huy động toàn lực chống dịch
Ngày 30-10, ông Nguyễn Mạnh Hùng – chủ tịch UBND xã Cư Yang, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) – cho biết đã cách ly tập trung 106 người, gồm 96 học sinh, 10 giáo viên tại Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân cơ sở 2 liên quan đến 2 học sinh nghi nhiễm COVID-19.
“Tất cả học sinh được lưu lại tại trường, thầy cô giáo trực tiếp chăm sóc các cháu. Đoàn viên, dân quân tự vệ phục vụ cơm nước, hậu cần ở vòng ngoài. Xã cũng đang vận động tình nguyện viên, là mẹ của các cháu vào cách ly tập trung chung để chăm sóc vì học sinh tuổi còn nhỏ, chưa tự chăm sóc bản thân được” – ông Hùng thông tin.
Theo ông Hùng, trước đó cha mẹ 2 học sinh nói trên đi công tác từ Nha Trang (Khánh Hòa) về và được xét nghiệm nhanh, phát hiện dương tính.
Trong khi đó, do số ca lây nhiễm cộng đồng liên tục tăng, UBND TP Buôn Ma Thuột quy định người có giấy xét nghiệm âm tính hoặc ít nhất đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 mới được vào chợ.
Ông Nay Phi La – giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk – cho biết tỉnh Đắk Lắk đang ở cấp độ 3 khi số ca nhiễm trong cộng đồng chiếm tỉ lệ 193/100.000 dân, độ bao phủ vắc xin đang thấp. Ngành y tế Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch huy động tất cả các nhân lực, kể cả sinh viên, phòng khám tư nhân, bệnh viện tư tham gia công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử đoàn bác sĩ gồm 10 cán bộ bác sĩ, nhân viên y tế, trong đó có bác sĩ CK II Trần Thanh Linh, người có kinh nghiệm trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, lên giúp công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh.
Đắk Lắk cũng đề nghị TP.HCM hỗ trợ xây dựng lắp đặt cho Bệnh viện dã chiến số 2 với công suất 1.000 giường bệnh. Dự kiến đến hết tháng 11, tỉnh sẽ đạt độ bao phủ 80% mũi 1.
* Kon Tum: số ca cộng đồng tăng nhanh
Tại Kon Tum, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh này cho biết đã ghi nhận 237 trường hợp mắc COVID-19, trong đó đáng chú ý là số ca cộng đồng tăng nhanh.
Kon Tum đã tạm dừng dạy học trực tiếp, chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác phù hợp từ ngày 25-10. Toàn tỉnh mới có 13,12% người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
* Bình Thuận: thêm xã, huyện “đổi màu”
Theo thông báo ngày 30-10 của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bình Thuận, từ tuần tới sẽ có thêm 2 xã vùng đỏ (thành 12 xã) và một huyện thành vùng cam so với tuần trước. Hiện chỉ duy nhất huyện đảo Phú Quý là địa phương chưa phát hiện ca mắc COVID-19 nào.
Trước tình hình này, nhiều huyện phải quyết định cho học sinh thôi học trực tiếp, tăng cường xét nghiệm sàng lọc, siết kiểm soát việc đi lại và một số hoạt động không cần thiết tại các xã phường là vùng đỏ.
Tính đến chiều 30-10, địa phương đã tiêm vắc xin mũi 1 cho hơn 620.000 người (hơn 70% dân số trên 18 tuổi) và mũi 2 gần 82.000 người (gần 10%).
Nguồn: tuoitre.vn