Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các đơn vị góp ý về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2011 ban hành Bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, tạo điều kiện cho máy bay Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu vào Việt Nam.
Tại dự thảo, Bộ Xây dựng cho biết, trong danh sách các quốc gia được Việt Nam công nhận, thừa nhận chứng chỉ loại máy bay, bên cạnh Hoa Kỳ (FAA), châu Âu (EASA), Liên Bang Nga, Brazil và Canada.
Máy bay Trung Quốc C919 tại Sân bay quốc tế Vân Đồn. (Ảnh: COMAC)
Ngoài các nội dung nêu trên, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung nhà chức trách hàng không Trung Quốc (CAAC) đối với các máy bay có Giấy chứng nhận loại do Nhà chức trách hàng không Trung Quốc cấp và nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh với các tàu bay có Giấy chứng nhận loại do Nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh cấp.
Lý do đề xuất bổ sung thêm các máy bay Trung quốc vào Thông tư sửa đổi, Bộ Xây dựng cho rằng: “Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình chiến sự xảy ra trên một số khu vực trên thế giới ảnh hưởng đến dây chuyền cung cấp vật tư, khả năng cung cấp tàu bay đầy đủ từ các nhà sản xuất máy bay truyền thống như Airbus, Boeing và Embraer (được FAA và EASA cấp Giấy chứng nhận Loại), đúng hạn và đầy đủ.
Cùng đó, lệnh triệu hồi đối với động cơ Pratt Witney ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động khai thác máy bay của Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng không nói riêng và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Trong tình hình này, việc giới hạn cho phép các tàu bay khai thác tại Việt Nam chỉ có Giấy chứng nhận loại do Cục Hàng không Việt Nam cấp hoặc công nhận từ 5 quốc gia là Hoa Kỳ (FAA), châu Âu (EASA), Liên Bang Nga, Brazil và Canada sẽ làm hạn chế cơ hội của các hãng hàng không trong việc tiếp cận các loại máy bay được thiết kế, chế tạo bởi các quốc gia khác có năng lực toàn cầu về khoa học và công nghệ.
Hiện nay, Trung Quốc cũng là quốc gia thiết kế tàu bay, đã sản xuất tàu bay Comac ARJ21-700 (C909) và C919 đang khai thác tại thị trường nội địa Trung Quốc và ở một quốc gia nước ngoài (với máy bay C909 tại Indonesia) và đã có lịch sử khai thác an toàn.
Theo Bộ Xây dựng, hiện các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay trong thiết kế chế tạo tàu bay trên thế giới được áp dụng theo quy định của Quy chế An toàn liên Bang Mỹ (FAR 25) hoặc Tiêu chuẩn CS25 của Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA).
Qua đánh giá, các quy định về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay trong thiết kế, chế tạo máy bay trong Quy chế An toàn hàng không Trung Quốc không khác biệt lớn về thiết kế, chế tạo và đảm bảo an toàn. Sự khác biệt chủ yếu liên quan đến ngôn ngữ tiếng Trung Quốc trong tài liệu, nhãn mác trên máy bay.
Tuy nhiên, các quy định pháp luật của Việt Nam chưa công nhận các quy định của Trung Quốc làm cơ sở cho việc phê chuẩn và khai thác, bảo dưỡng máy bay Trung Quốc tại Việt Nam.
Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 là cần thiết và phù hợp. Việc thêm Trung Quốc vào danh sách các quốc gia được Việt Nam công nhận, thừa nhận chứng chỉ loại máy bay, sẽ tạo điều kiện về mặt pháp lý cho máy bay Trung quốc tham gia vào thị trường khai thác của Việt Nam, tăng sự lựa chọn cho các hãng hàng không Việt Nam trong việc đa dạng hóa nguồn máy bay.
Đồng thời, các hãng hàng không Việt Nam cũng có cơ hội được nhận chuyển giao công nghệ về khai thác, bảo dưỡng, hỗ trợ về mặt tài chính từ các tổ chức tín dụng của Trung Quốc trong trường hợp thuê, mua các máy bay do Trung Quốc sản xuất (tương tự việc thuê, mua các máy bay Boeing, Airbus trước đây).
Ngoài ra, do từ 2021, Nhà chức trách hàng không Vương Quốc Anh tách ra khỏi Cơ quan an toàn hàng không Châu Âu (EASA) nên dự thảo cũng bổ sung thêm nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh để phù hợp với thực tiễn hoạt động hàng không.
Việc đưa nhà chức trách hàng không Vương Quốc Anh vào nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo các hoạt động liên tục trong vận tải hàng không khi Vương quốc Anh tách ra khỏi Liên minh châu Âu.
Theo Dân Việt