Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, 3 nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc đều nằm gần biên giới Việt Nam, nhà máy gần nhất cách Móng Cái, Quảng Ninh chỉ 50km, cách Hà Nội dưới 500km. Tuy các chuyên gia khuyên không nên hoang mang nhưng cũng cần chuẩn bị kỹ phương án phòng ngừa sự cố.
Đại biểu Phạm Tất Thắng đặt câu hỏi về nguy cơ từ 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc ở gần biên giới với Việt Nam
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà chiều 4/6, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề cập tới việc Trung Quốc xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân khá gần biên giới Việt Nam, từ 50 km đến 200 km. Theo đó, giả sử các nhà máy này có vấn đề trong hoạt động thì nguy cơ ô nhiễm phóng xạ với Việt Nam rất lớn. Bộ Tài nguyên có giải pháp gì ứng phó với nguy cơ đó?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, vấn đề liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã được Bộ TN-MT “nắm rất rõ”. Chính phủ giao Bộ KH-CN xây dựng các trạm quan sát hoạt động thường xuyên; làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để có các đoàn thanh tra kiểm soát an toàn tại khu vực này.
Bộ trưởng nói thêm, không riêng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành phố Hà Nội vừa qua cũng đưa vấn đề này vào dự án để lên kịch bản cần thiết.
Bộ trưởng TN-MT Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn
Năm 2016, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam). Các nhà máy này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam, gần nhất là Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km.
Ngay thời điểm các nhà máy trên đi vào hoạt động, một số chuyên gia cho rằng người dân không nên hoang mang vì với các nhà máy điện hạt nhân, tiêu chuẩn an toàn luôn đặt lên hàng đầu, tuy nhiên cũng cần chuẩn bị kỹ các phương án phòng ngừa sự cố.
Cũng theo Bộ trưởng, cuối tháng 5/2018, thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội”. Theo đó, thành phố dự báo một trong 10 rủi ro có thể trở thành thảm hoạ là rò rỉ phóng xạ nếu có sự cố từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc.
Thành phố giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa rò rỉ chất phóng xạ, sự cố hạt nhân; tham mưu cho thành phố các nhiệm vụ liên quan đến các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ về phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa.
Đại biểu Văn Minh (Quảng Ninh) đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm về xử lý được các cơ sở gây ô nhiễm. Bộ trưởng làm rõ thêm về trách nhiệm, giải pháp của Bộ về xử lý ô nhiễm môi trường.
Ông Hà bình luận ý kiến đại biểu nêu ra… quá đúng. Các cơ sở xử lý chất thải rắn, thuốc bảo vệ thực vật, chất ô nhiễm tồn lưu (như dioxin). Cần làm dứt điểm và sớm để đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nhưng điều khó nhất là bố trí nguồn lực tài chính. Do cơ chế đóng góp địa phương-trung ương (50-50) rất khó thực hiện vì nhiều địa phương còn khó khăn.
“Tôi đề xuất xem lại trách nhiệm của chủ đầu tư những dự án gây ra ô nhiễm” – Bộ trưởng quả quyết.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, trong thực tế, tài nguyên nước và môi trường nước đang có nhiều cơ quan có trách nhiệm quản lý, hết sức chồng chéo, phân tán. Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết căn cơ tình trạng này.
Nói về bài học kinh nghiệm sau sự cố Formosa, Bộ trưởng cho rằng, khâu đánh giá tác động môi trường cần làm một cách thực chất để xác định được công nghệ sản xuất thân thiện, an toàn với môi trường và hiệu quả cao hơn.
Đại biểu Tùng tranh luận lại, việc xử lý nước thải sau sự cố môi trường của Formosa đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, bài học về vụ Formosa rất đắt giá, không được quên. Hiện giờ doanh nghiệp đã vận hành đến lò cao thứ hai. Vậy có đảm bảo việc vận hành, hoạt động của Formosa sẽ an toàn không?
Phần trả lời của Bộ trưởng được dành cho phần chất vấn tiếp tục vào sáng mai, 5/6.
Theo Dân Trí