Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, các khu vực xảy ra tai nạn sạt lở ở miền Trung thời gian qua nếu kết luận do thủy điện thì chưa chắc đúng.
Giải trình thêm trước Quốc hội sáng nay (5/11) về thiên tai xảy ra ở miền Trung, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, những ngày qua ông chăm chú lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết của ĐBQH.
Ông cũng chia sẻ những mất mát, khó khăn hiện nay của cán bộ, chiến sĩ, người dân đang phải chống chọi với thiên tai.
Ông nói vừa có trong tay báo cáo về rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc thông tin trong 40 năm qua, cường độ, tần suất thiên tai tăng lên 4 lần.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà giải trình sáng nay |
Việt Nam nằm trong vòng bão của Tây Nam Thái Bình Dương, là một trong những nước có rủi ro thiên tai cao nhất, đứng thứ 16 trong số các nước có liên quan đến khí hậu cực đoan.
Để ứng phó, từ năm 2009, Việt Nam đã tiến hành chương trình là nghiên cứu về lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và từ năm 2012 có chương trình điều tra biến đổi địa chất, cảnh báo sạt lở ở miền núi.
“Những sự việc xảy ra thời gian vừa rồi cần có đánh giá độc lập của cơ quan khoa học, lúc này đưa ra kết luận còn quá sớm”, Bộ trưởng Hà nói.
Tuy nhiên, ông cho biết các điểm xảy ra sạt lở ở miền Trung vừa qua là tổ hợp của nhiều loại hình thiên tai như 4 cơn bão liên tiếp, lượng mưa vượt qua các chỉ số đo lịch sử.
Theo Bộ trưởng, các khu vực xảy ra tai nạn sạt lở như trạm kiểm lâm 67, thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), nơi đóng quân của Đoàn 337 ở Hướng Hóa (Quảng Trị), thôn Trà Leng, Trà Vân (Quảng Nam)… đều cho thấy có độ cao từ 300 – 900 m. Cho nên kết luận những sự cố này do thủy điện thì chưa chắc đúng.
“Không nên suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học. Toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hóa tạo ra độ gắn kết rất thấp, lại nằm trong địa hình đồi núi dốc. Quá trình đó làm cho địa chất bị nát vụn cùng với lượng mưa lớn thì tất cả những khu vực này đều dẫn đến nguy cơ bị sạt lở”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích.
Khi đánh giá về tác hại hay lợi ích của các hồ thủy lợi, thủy điện thì cần xem lại từ khâu thiết kế. Mặc dù các thủy điện miền Trung không có chức năng cắt lũ nhưng vừa qua đã cắt giảm lũ cho vùng hạ du từ 30 – 70%. Mùa hạn, các hồ chứa ở đây đã cấp nước cho sản xuất.
Về các thủy điện nhỏ, ông Hà cho rằng cần tính toán giữa tính năng với sự hài hòa tự nhiên. Ông dẫn chứng, ở Na Uy cũng có rất nhiều thủy điện nhỏ “Nếu tính toán được thì chúng ta sẽ xử lý hài hòa được giữa duy trì nguồn điện năng và không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên”.
Về chuyển đổi mục đích rừng, ông Hà nói nếu không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì với dân số 100 triệu dân, Việt Nam không có không gian để phát triển. Tuy nhiên, cần phải xác định các khu vực cần phải giữ là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
“Hiện chúng ta đang khủng hoảng trong tư duy lựa chọn các mô hình phát triển, đó là dựa vào khai thác tự nhiên hay trái với tự nhiên. Sự phát triển đòi hỏi phải có sự thay đổi”, ông Hà phát biểu và kêu gọi các ĐBQH ủng hộ, bấm nút thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện
Phát biểu tranh luận về thủy điện, tự nhận là dân ngoại đạo, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) điểm lại lịch sử xây dựng các dự án thủy điện, bắt nguồn từ dự án thủy điện sông Đà. Mặt tích cực của thủy điện là điều tiết lũ tốt nhưng mặt trái là việc lạm dụng trong xây dựng, lợi dụng địa điểm và quy trình khi đầu tư thủy điện.
ĐB Lê Thanh Vân |
Tuy nhiên theo ông: “Đáng tiếc rằng một số chủ đầu tư lạm dụng công trình để trục lợi thông qua phá rừng, lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên”.
Ông cũng cho rằng đánh giá phải khách quan, nhiều chiều và con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra, xử là xử động cơ mục đích của họ. Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng tranh luận với các Bộ trưởng nói về vấn đề rừng và thủy điện. Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trước đó đã thông tin cả nước trước đây có 9 triệu ha rừng nhưng nay tăng lên được 14,6 triệu ha rừng.
ĐBQH đánh giá đây là điều tốt, song cần làm rõ rừng tự nhiên và rừng trồng vì vai trò, tác dụng của hai loại rừng này khác nhau. “Chỉ có rừng tự nhiên mới có năng lực bảo vệ đất đai, tích lũy nước ngầm tốt, khác với rừng trồng”, ông Nghĩa nói.
Về vấn đề thủy điện, ĐB TP.HCM cũng cho rằng không thể “đổ thừa”, nhưng cũng phải tính toán “một dòng sông có thể chịu được bao nhiêu thủy điện”. Và khi xét duyệt cần có quy trình cụ thể cho từng dự án.
Nguồn: vietnamnet