Phát biểu khai mạc Diễn đàn quản trị đất nước tốt (trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21) diễn ra sáng 4/8, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, những biến động, thách thức to lớn và khó lường gần đây đã khiến nền công vụ của các nước ASEAN, hơn bao giờ hết, phải nhìn lại mình.
“Chúng ta phải cấp thiết đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ để thực sự là những nền công vụ hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm”, Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam nói.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, điều này đòi hỏi đội ngũ công chức cũng phải thay đổi, linh hoạt hơn, nhanh nhạy hơn, sáng tạo hơn, học hỏi hơn.
Do vậy, Việt Nam chọn chủ đề của Diễn đàn là “Đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”.
Với những thông tin và kinh nghiệm được chia sẻ tại diễn đàn, Bộ trưởng Nội vụ hy vọng các nền công vụ ASEAN không chỉ học hỏi được từ những bài học thành công, mà còn cả từ những khó khăn trong triển khai, thực hiện chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nền công vụ.
Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu cùng lắng nghe, cùng chia sẻ, và học hỏi với ý nghĩa thu hẹp khoảng cách, khuyến khích hợp tác giữa các nước ASEAN, các nước ASEAN+3 và các nước đối tác nhằm bảo đảm tiếp thu những nguyên tắc quản trị hiệu quả.
“Tôi mong rằng, tất cả quý vị sẽ nhiệt tình, tích cực trao đổi, thảo luận trên cơ sở sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm để cùng xây dựng nền công vụ ASEAN hiện đại và thích ứng”, Bộ trưởng Nội vụ bày tỏ.
39.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính – Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng cho biết, Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn thực hiện các chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước nhằm hướng tới nền công vụ dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhân dân.
Trong quá trình đó, việc xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn được coi trọng, được thể hiện cụ thể qua các mục tiêu, nội dung trọng tâm của chương trình theo từng giai đoạn.
Giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam tiếp tục xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của đất nước.
Trong đó xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong nhà nước.
Việt Nam đưa ra mục tiêu đến năm 2030 có 50 – 60% lãnh đạo, quản lý cấp phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương ở Trung ương; 25 – 35% lãnh đạo, quản lý cấp sở ngành, UBND cấp huyện và tương đương; trên 30% lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở ngành, UBND cấp huyện và tương đương; 80% lãnh đạo quản lý DNNN có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
100% cán bộ, công chức, viên chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.
Để đạt được các mục tiêu này, công tác đào tạo, bồi dưỡng được coi là giải pháp quan trọng, có tính chất quyết định.
Ông Hùng cho biết, trước 2021, Việt Nam thực hiện các hình thức đào tạo bồi dưỡng như: Tập sự, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo vị trí việc làm…
Từ 2021 đến nay, Việt Nam bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, quản lý…
Tính đến năm 2021 đã có 90% cán bộ công chức đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Trung bình cả nước có trên 90% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên.
Bên cạnh đó, Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài, đặc biệt là các nước có trình độ phát triển cao.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, cả nước cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hơn 39.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, công chức là lãnh đạo, quản lý khoảng 17.500 lượt người, chiếm 45%; công chức làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách là hơn 7.400 lượt người, chiếm 19%; khoảng 6.000 lượt giảng viên, chiếm 16%.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ông Hùng cho hay, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt vừa qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ cắt giảm hàng trăm chứng chỉ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc này giúp giảm tải gánh nặng chứng chỉ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hướng đến giảm chồng chéo trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này. Đây là một nội dung quan trọng trong hoàn thiện thể chế.
Cùng với đó là đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, gắn với thực tiễn, điều hành; tăng cường công nghệ thông tin và các tiến bộ KHCN vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng,…
Đồng thời, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng với các nước trong ASEAN và các nước có nền công vụ tiên tiến trên thế giới.
Nguồn: vietnamnet