Trả lời VietNamNet, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đổi mới căn bản giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu. Song, việc cần làm tiếp còn rất nhiều.

– Thưa Bộ trưởng, ở vị trí được coi là một trong những công việc khó khăn nhất ở Việt Nam, ông nhận diện những khó khăn và thách thức trong nhiệm kỳ của mình là gì?

Có nhiều khó khăn và thách thức đặt ra đối với ngành giáo dục và đào tạo nói chung và đặt ra cho những người lãnh đạo ngành, trực tiếp là Bộ trưởng.

Thách thức rất lớn nằm ở chỗ Đảng, Nhà nước, Chính phủ kỳ vọng và giao phó trách nhiệm cho ngành giáo dục rất lớn. Đây là lĩnh vực liên quan tới con người, tác động tới con người, vì vậy nó khá phức tạp. Hiện nay, công cuộc đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo do Đảng ta chỉ đạo đã triển khai được những bước quan trọng và đã đạt được những thành tựu lớn, quan trọng, tuy nhiên công việc cần làm tiếp rất nhiều.

Tiếp tục sự đổi mới vẫn là một thách thức cho cả ngành giáo dục và cho lãnh đạo ngành nói riêng.

Ngoài ra, hạ tầng cơ sở vật chất cho giáo dục còn rất nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Các chính sách cho giáo dục vẫn còn chồng chéo, có những khó khăn nhất định trong triển khai…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tiếp tục đổi mới giáo dục là thách thức
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

– Vậy, Bộ trưởng sẽ ưu tiên việc gì đầu tiên sau khi tiếp nhận trọng trách này?

Là người bắt đầu tiếp nhận công việc, đầu tiên tôi phải tiếp nhận và tìm hiểu sâu từng mảng công việc, chưa thể nói được gì cụ thể khi mà công việc chính thức chưa bắt đầu.

Tuy nhiên, tôi sẽ ưu tiên tập trung chỉ đạo một số việc nóng và cấp bách liên quan tới giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non.

– Nhưng Bộ trưởng có nhiều năm là một nhà quản lý ở giáo dục đại học?

Nếu tôi trưởng thành từ môi trường giáo dục phổ thông, mọi người sẽ hỏi tôi không hiểu đại học thì sẽ quản lý ngành ra sao? Tôi nghĩ khó có thể tìm được một chuyên gia am tường tất cả. Vấn đề là tự nhận thấy mình thiếu gì, có chịu học hỏi để hoàn thiện hay không?

Tôi nghĩ bất kỳ ai khi bước vào vị trí mới đều phải học, tôi sẽ học, các thầy cô cũng phải học, quản lý cũng phải học, vấn đề là khi điều hành cần có phương pháp, tư duy khoa học và có một tấm lòng.

– Vấn đề nào của ngành giáo dục khiến ông trăn trở nhất?

Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để củng cố nâng cao vị thế cần có, phải có, nên có của người giáo viên. Nhưng tôi biết đây là việc lớn và rất khó, vì nó vừa là vấn đề của ngành GD-ĐT, của chính nhà giáo, nhưng cũng cần sự ủng hộ từ người dân, phụ huynh và cả về phương diện quy phạm pháp luật; cần các quy định, thể chế, cần gia tăng luật để thực hiện mục tiêu đó.

Giáo viên phải nêu gương trong vấn đề dạy người trong khi vị thế của nhà giáo chưa cao, chưa được bảo vệ thì sẽ khó thực hiện tốt nhiệm vụ dạy người. Giáo dục phải vì con người. Đây là việc tôi sẽ làm.

– Nhiều năm qua, dư luận xã hội luôn cho rằng trẻ em Việt Nam đi học quá vất vả. Ông có giải pháp gì để giảm áp lực, gánh nặng cho học sinh?

Điều quan trọng nhất là trẻ em đi học phải vui, phải hào hứng, thích học. Chúng ta đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, đây là bước đổi mới rất quan trọng, giờ vấn đề là cách triển khai ra sao, việc tổ chức dạy và học thế nào cho phù hợp. Quan trọng là cách làm. Tôi sẽ cho rà soát chương trình để có cơ sở trước khi đưa ra đánh giá và đưa ra giải pháp.

– Ông từng nói, chuyển đổi số giáo dục là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ này. Ông đã có ý tưởng gì cho việc này chưa?

Chuyển đổi số là công việc lớn và cần làm sớm. Chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và đào tạo là một bộ phận không tách rời chuyển đổi số quốc gia.

Những năm qua ngành đã có được những kết quả quan trọng trên phương diện xây dựng cơ sở dữ liệu và hạ tầng trang thiết bị kỹ thuật, nhiều việc khác đã có những kết quả bước đầu, thời gian sắp tới cần tiếp tục làm mạnh mẽ hơn trên các phương diện quản trị và các hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Cần kết nối và chia sẻ mạnh hơn các thành tố trong hệ thống giáo dục…

– Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bộ GD-ĐTBộ trưởngchính sách giáo dục

Các tin liên quan đến bài viết