Theo Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT), mỗi km đường cao tốc Bắc – Nam 4 làn xe là 115,8 tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD) mới chỉ là ước tính.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của cao tốc Bắc – Nam đã được Bộ GTVT tải phê duyệt, 11 dự án thành phần dài 653km có tổng mức đầu tư hơn 102.500 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 11.400 tỷ đồng, xây dựng và thiết bị 67.900 tỷ đồng, quản lý dự án là 7.700 tỷ đồng, chi phí dự phòng 12.300 tỷ đồng và lãi vay hơn 3.000 tỷ đồng.
Suất vốn đầu tư 1km 4 làn cao tốc Bắc – Nam được Bộ GTVT phê duyệt là 115,8 tỷ đồng đã bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu, hầm, xử lý nền đất yếu và hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống thu phí điện tử không dừng, đường gom phục vụ dân sinh.
Nếu không tính dự án Cam Lộ – La Sơn (quy mô 2 làn xe, chiều dài 98,4 km) và dự án cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,6 km) thì suất vốn đầu tư xây dựng bình quân khoảng 95,6 tỷ đồng/km.
Kiến nghị chuyển 8 dự án cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công |
Suất đầu tư trên thấp hơn mức 124,985 tỷ đồng/km (chưa gồm chi phí xây dựng cầu và xử lý nền đất yếu) được Bộ Xây dựng công bố tại Quyết định 44.
Bộ GTVT cho hay, việc so sánh suất đầu tư xây dựng giữa các dự án cao tốc hoặc so sánh với suất đầu tư xây dựng tham chiếu theo quyết định công bố chỉ mang tính chất tương đối do các đối tượng so sánh không cùng một mặt bằng.
Tổng mức đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam được lập, thẩm định và phê duyệt tuân thủ quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, căn cứ kết quả bước khảo sát, thiết kế lập dự án đầu tư.
Suất đầu tư chỉ mang tính ước tính
Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Cư cho biết, việc lấy tổng mức đầu tư chia chiều dài km của dự án rồi xem đó là suất vốn đầu tư là không chính xác.
Việc này chỉ phản ánh ước tính chi phí xây dựng 1km của dự án.
Theo ông Cư, nếu so sánh suất vốn đầu của cao tốc Bắc – Nam với suất vốn đầu tư đường cao tốc theo Quyết định 44 của Bộ Xây dựng cần phải căn cứ vào chi phí xây dựng và chi phí thiết bị.
Một chuyên gia giao thông cho biết, việc quy định suất đầu tư theo mỗi km đường cao tốc Bắc – Nam chỉ mang tính tương đối vì phụ thuộc vào thực địa, quy mô dự án.
Có dự án làm 4 làn xe giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn thì chi phí chắc chắn sẽ cao hơn những đoạn cùng quy mô nhưng chỉ giải phóng mằt bằng 4 làn và ít cầu, hầm…
“Mỗi dự án có đặc thù khác nhau. Dự án chi phí giải phóng mặt bằng lớn, nhiều cầu hầm thì mức đầu tư cao, ngược lại nếu giải phóng mặt bằng ít, ít cầu hầm, việc xử lý nền đất yếu không quá phức tạp… thì đương nhiên suất đầu tư sẽ thấp hơn.
Vấn đề quan trọng nhất là các cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát chặt chẽ từng khâu của dự án, từ tư vấn thiết kế; thiết bị, vật liệu xây lắp… không để xảy ra tham ô, lãng phí trong quá trình thực hiện dự án”, vị chuyên gia giao thông cho hay.
Nguồn: vietnamnet